Cảnh giác trước tội phạm mua bán người “núp bóng” dưới các thủ đoạn tinh vi Cảnh sát Úc phối hợp với Việt Nam chống tội phạm buôn người |
Thông tin tại Hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng, chống mua, bán bộ phận cơ thể người, do Bộ Y tế tổ chức sáng 6/2, GS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho hay, đến nay cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não; đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép mô tạng. Trong đó, số người được ghép thận nhiều nhất, với hơn 6.000 người, tiếp đó là ghép gan, tim, phổi, thận, tụy, ruột...
Tại hội thảo, các chuyên gia cảnh báo loại tội phạm mua, bán, chiếm đoạt nội tạng cơ thể |
Nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam rất lớn, ước tính có hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép tạng; hàng nghìn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến nảy sinh các hành vi mua, bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người. Hành vi này đã, đang để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Thủ đoạn của các đối tượng là tiếp cận người có nhu cầu tại các bệnh viện, hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức cho, hiến tặng), ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao nhưng lại trả cho người bán giá thấp để trục lợi.
Tại hội thảo, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho hay, qua trinh sát, công an phát hiện có hàng trăm, thậm chí cả nghìn người/nhóm. Khi tiếp cận được người có nhu cầu ghép thận, đối tượng sẽ trao đổi riêng về mua, bán. Có trường hợp, đối tượng môi giới thu từ người ghép 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/thận, nhưng người bán chỉ nhận 200 - 250 triệu đồng/thận.
Mua bán nội tạng cơ thể người là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, vì nó không chỉ trực tiếp tác động đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn kéo theo nhiều hệ lụy.
Kết quả giám định cho thấy, những người bán mô, bộ phận cơ thể đều bị tổn hại sức khỏe ít nhất từ 45 - 70%. Thậm chí có trường hợp tử vong do biến chứng hoặc nhiễm trùng trong quá trình xét nghiệm và phẫu thuật. Nhiều người chỉ vì túng quẫn trong một thời điểm mà đã phải trả giá quá đắt bằng chính sức khỏe hoặc tính mạng của bản thân.
Trước tình trạng buôn bán tạng ở nước ta có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, nhiều ý kiến yêu cần cơ quan chức năng phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện để đồng bộ các biện pháp, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; trong đó bổ sung hình thức đăng ký online hiến tặng mô tạng sau khi chết, chết não. Bổ sung hình thức đăng ký và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng, tích hợp trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân…
Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về mua bán bộ phận cơ thể người; rà soát, thống kê các đầu mối, đường dây nghi vấn hoạt động mua bán bộ phận cơ thể người. Phối hợp chặt chẽ với bệnh viện lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố và lực lượng chức năng trong công tác thanh, kiểm tra, trao đổi thông tin về đường dây, đầu mối nghi vấn…
Được biết, Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện các chính sách quy định về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong dự án Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người sửa đổi, trình Quốc hội thời gian tới.