Cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại: "Lá chắn thép" bảo vệ doanh nghiệp
Chú trọng cảnh báo
Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát đã làm gia tăng số lượng và sự phức tạp của các vụ việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến tháng 12/2021 đã có 209 vụ việc PVTM của nước ngoài đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó sắt thép (chiếm 32% tổng số vụ việc), sợi (chiếm 8% tổng số vụ việc), nông sản, gỗ, lốp xe... Bên cạnh các vụ việc đã khởi xướng trước đó đang trong quá trình điều tra và các vụ việc rà soát hành chính hàng năm, rà soát cuối kỳ, Cục PVTM còn xử lý các vụ việc mới khởi xướng, như: Úc điều tra chống bán phá giá (CBPG) ống đồng, Pakistan điều tra CBPG thép cán nguội, Philippines điều tra CBPG xi măng, Ấn Độ điều tra CBPG pin năng lượng mặt trời, Hoa Kỳ điều tra CBPG mật ong, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra CBPG sợi kéo dãn toàn phần.
Tăng cường ứng phó với các biện pháp PVTM để bảo vệ doanh nghiệp trong nước |
Theo Cục PVTM, việc các nước ngày càng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM là một trong những trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập và thực hiện các FTA, để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó. Công tác cảnh báo sớm nguy cơ điều tra PVTM là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Công Thương chú trọng, tập trung triển khai thường xuyên trong suốt thời gian qua.
Cụ thể, định kỳ hàng quý Cục PVTM gửi danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra lẩn tránh thuế PVTM cho các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Thông qua đó, các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài.
Hiệu quả cao
Theo bà Phạm Châu Giang Phó Cục trưởng Cục PVTM, qua kinh nghiệm ứng phó các vụ kiện của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, việc cảnh báo sớm cho doanh nghiệp về các nguy cơ bị điều tra PVTM đóng vai trò quan trọng đối với thành công trong các vụ kiện. Bởi, thông thường khi các nước ra thông báo điều tra chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin lại rất lớn.
Hiện, thông qua Hệ thống cảnh báo sớm, Cục PVTM theo dõi sát biến động các số liệu xuất nhập khẩu, qua đó để tìm ra dòng chảy thương mại mang tính bất thường. Khi phát hiện dấu hiệu nguy cơ, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các thương vụ Việt Nam ở nước sở tại tìm hiểu thông tin kỹ hơn về động thái của ngành sản xuất của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Cục PVTM hợp tác với cơ quan chức năng của các đối tác thương mại nhằm ngăn chặn các hành vi mạo nhận xuất xứ Việt Nam lẩn tránh biện pháp PVTM một cách bất hợp pháp.
Mặc dù mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng với sự chủ động, quyết liệt về cảnh báo sớm của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, ngành hàng đã có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài. Đặc biệt, trong một số vụ việc, doanh nghiệp có thời gian gần như một năm để chuẩn bị và kết quả là các nước đã chấm dứt điều tra, không áp thuế hoặc áp thuế PVTM thấp đối với doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp của các nước khác cùng bị điều tra. Kết quả này đã góp phần giữ vững thị trường xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh cho các nhà sản xuất, xuất khẩu.
Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục PVTM: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ mở rộng hệ thống cảnh báo tới nhiều thị trường, ngành hàng. |