Cảnh giác cao với nguy cơ dịch cúm gia cầm tái bùng phát
Chăn nuôi gà theo mô hình kép kín và truy xuất nguồn gốc của Công ty CP. Việt Nam |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc phát động Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt một năm 2017, nhằm tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt với chủng virus cúm độc lực cao. Tháng vệ sinh đợt 1 thực hiện đến hết 21/3/2017.
Để tăng cường công tác kiểm dịch cúm gia cầm, Cục Thú y (Bộ NN&PTNN) đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra các tỉnh biên giới phía Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh) và đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh ở các trang trại, hộ chăn nuôi, chợ đầu mối kinh doanh gia cầm trên phạm vi cả nước.
Sau khi thông tin về dịch cúm A/H7N9 nguy hiểm bùng phát ở một số quốc gia, đặc biệt là tại Trung Quốc, tình hình lo ngại về dịch cúm lây lan do một lượng lớn gia cầm nhập tiểu ngạch chưa được kiểm soát đã tác động mạnh đến hoạt động chăn nuôi, kinh doanh gia cầm tại Việt Nam. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNN đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh trên địa bàn và có phương án phòng, dập dịch hiệu quả.
Thống kê của Cục Thú y cho biết, hiện cả nước còn 13 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 7 tỉnh chưa qua 21 ngày, trong đó 12 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, một 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 và cho đến thời điểm này không có ổ dịch mới phát sinh. Bảy tỉnh đang có ổ dịch cúm gồm Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nghệ An và Nam Định. Tại Đồng Nai hiện đang xảy ra một ổ dịch cúm A/H5N1 ở trại chăn nuôi gà với số lượng 5.000 con tại xã Suối Trầu, huyện Long Thành. Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, từ ngày 16/2 đến nay, tại trại chăn nuôi gà này không phát sinh gia cầm mắc mới và đang được kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Theo Cục Thú y, nguy cơ lây lan và phát sinh dịch cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam như A/H7N9, A/H5N2, AH5N8 có nguy cơ lây truyền qua hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhập lậu, nhất là khu vực biên giới phía Bắc.
Để phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành công thương, thú y, y tế lập các đoàn kiểm tra liên ngành về phòng chống dịch cúm gia cầm; các quận huyện tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các cửa ngõ của thành phố. Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, tình hình dịch cúm gia cầm đang được kiểm soát tốt, chưa xảy ra trên địa bàn thành phố nhưng các ngành, các cấp, những người kinh doanh gia cầm, người tiêu dùng không được chủ quan vì nếu để dịch cúm xảy ra thì hậu quả sẽ rất lớn nên cần phải cảnh giác cao.
Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh - nhận định, tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và Campuchia và khả năng lây lan đến nước ta là rất lớn. Để phòng dịch, Chi cục Thú y đã chỉ đạo các trạm thú y tăng cường phối hợp với các đoàn liên ngành giám sát các cửa ngõ đi vào thành phố để xử lý các nguồn gia cầm không rõ nguồn gốc, tăng tần suất lấy mẫu đối với nguồn gia cầm đưa vào giết mổ. Hiện tại, toàn thành phố vẫn tồn tại gần 160 điểm kinh doanh gia cầm sống nằm ở 15 quận huyện và không được kiểm soát về dịch bệnh. Theo ông Thảo, ngành thú y và quản lý thị trường đang tích cực kiểm tra các điểm kinh doanh này và xử lý nghiêm những người vi phạm.
Tỉnh Long An hiện có khoảng 7 triệu con gia cầm, tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện ổn định; công tác phòng chống dịch bệnh đang được kiểm soát chặt. Từ đầu năm đến nay, ngành thú y đã thực hiện tiêm phòng 4.885 liều vắc-xin lở mồm long móng trên gia súc; 14.053 liều vắc-xin tai xanh trên heo và 508.486 liều vắc-xin cúm gia cầm. Hiện ngành thú y Long An đã chuyển về cho các địa phương khu vực biên giới 1 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm để phục vụ việc tiêm phòng bắt buộc.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Long An, dịch bệnh trên gia súc gia cầm xảy ra tại một số địa phương trong nước và hai tỉnh là Prey Veng, Svay Rieng thuộc Vương quốc Campuchia, nâng mức báo động cao về dịch bệnh cho đàn gia cầm ở Long An. Để phòng dịch cúm, ngành thú y Long An đang tích cực triển khai công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại tại các hộ chăn nuôi trên toàn địa bàn. Tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Long An, cán bộ thuộc cơ quan Thú y vùng VI hiện đang tổ chức trực 24/24 giờ để kiểm soát quá trình giao thương gia súc gia cầm; ngành y tế bố trí người trực kiểm soát người dân qua lại khu vực biên giới để phòng tránh dịch bệnh lây lan.
Tỉnh Đồng Nai hiện có tổng đàn gà khoảng 16,8 triệu con, trong đó có 469 trang trại chăn nuôi, chiếm hơn 87% tổng đàn và 261 trang trại được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Toàn tỉnh có 16 cơ sở ấp nở, kinh doanh gà con, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh 123 triệu con gà con 1 ngày tuổi.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Nai - Phan Minh Báu, gà của Đồng Nai có trên 80% nuôi theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Cúm gia cầm A/H7N9 chỉ mới xảy ra ở Trung Quốc và Việt Nam đến thời điểm này chưa phát hiện có loại cúm trên, vì thế người dân không nên quá lo lắng rồi giảm sử dụng thịt gà nhưng cũng đừng mất cảnh giác với tình hình dịch bệnh đang tiềm ẩn.