PGĐ Sở Y tế Quảng Ninh - Nguyễn Tiến Hưng trao đổi tại hội nghị |
Trả lời vấn đề phóng viên Vuasanca nêu ra: Ngành Y tế Quảng Ninh đang làm gì để kiểm soát, phòng ngừa hiệu quả dịch cúm gia cầm H7N9 đang áp sát biên giới Việt Nam và Quảng Ninh, ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, tại Trung Quốc những tháng đầu năm nay phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm đã lây sang người, với trên 1.000 trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm.
Đối với Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung, hiện tại tuy chưa phát hiện có ổ dịch cúm gia cầm, cũng chưa ghi nhận trường hợp nào người dân nhiễm cúm H7N9. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm tương đối cao do có đường biên giới cả đường bộ, đường biển với Trung Quốc. Đặc biệt, Quảng Ninh đang phát triển mạnh mẽ các hoạt động thương mại, du lịch dịch vụ qua các cửa khẩu biên giới với nhiều địa phương của nước bạn, nhất là tỉnh Quảng Tây - nơi đã có khá nhiều trường hợp tử vong do nhiễm cúm AH7N9…
Để phòng ngừa lây nhiễm cúm gia cầm, cúm A H7N9 từ Trung Quốc sang nước ta, hiện nay ngành Y tế Quảng Ninh đang tích cực triển khai thực hiện chỉ đạo chung của Chính phủ, của Bộ Y tế, cũng như các Bộ ngành liên quan và của UBND tỉnh Quảng Ninh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát từ biên giới.
Theo ông Hưng, ngành Y tế Quảng Ninh ngay từ đầu năm đã triển khai kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, đặc biệt các dịch bệnh hay lây nhiễm thường bùng phát vào mùa đông xuân. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguy cơ xâm nhập lây nhiễm tại các cửa khẩu.
Kiểm dịch y tế ở cửa khẩu Móng Cái |
Theo đó, việc đầu tiên là tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại các cửa khẩu. Trong đó, công tác kiểm tra người nhập cảnh qua các cửa khẩu vào Việt Nam được chú trọng đặc biệt, để phát hiện người nào có biểu hiện của bệnh cúm, dấu hiệu đầu tiên là hắt hơi, xổ mũi thì buộc phải cách ly và cần thiết cho làm các tờ khai tiến hành xét nghiệm, hoặc kiến nghị không cho nhập cảnh vào nước ta.
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại cửa khẩu Quảng Ninh |
Tiếp đến là phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra hàng hóa, tổ chức diệt khuẩn hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu qua các cửa khẩu vào Việt Nam.
Đặc biệt, ngành Y tế Quảng Ninh đã đưa ra một số khuyến cáo cho người dân, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao, như người chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và người chế biến gia cầm, để mọi người thực hiện biện pháp phòng ngừa…
Ông Hưng cũng cho biết: “Đối với nội bộ ngành y tế, chúng tôi cũng chỉ đạo chuẩn bị thật tốt về mọi mặt. Thứ nhất, rà soát lại cơ số thuốc phòng chống dịch, hóa chất khử khuẩn; Thứ hai, rà soát lại nhân lực các đội phòng chống dịch; Thứ ba, rà soát lại vật tư phòng dịch bệnh...”.
Một biện pháp nữa là thực hiện chuẩn bị phương án các khu điều trị cách ly, từ tỉnh đến huyện đều phải xây dựng cơ sở cách ly, trong đó có các trang thiết bị, để điều trị các triệu chứng cho những người nhiễm cúm gia cầm.
“Công tác quan trọng đầu tiên lúc này là tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch ngay tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới. Nhưng tại cộng đồng, lúc này cũng phải chú ý giám sát thật chặt chẽ, nhằm sớm phát hiện được ca lây nhiễm đầu tiên, để khoanh vùng dịch và kiểm soát, ngăn ngừa dịch cúm AH7N9 không cho lây lan” - ông Nguyến Tiến Hưng nhấn mạnh.