Qua các cuộc tiếp xúc cử tri tại TP. Hồ Chí Minh, ông có thể cho biết, những vấn đề nào được cử tri quan tâm?
Người dân TP. Hồ Chí Minh quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, luật pháp với nhiều bộ luật: Luật Công an nhân dân, Luật Giáo dục sửa đổi, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng… Bên cạnh đó, cử tri cũng phản ánh các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội; đặc biệt về giao thông quá tải ở khu vực nội đô và cao tốc phía Nam không thấy triển vọng.
Riêng những vấn đề của ngành Công Thương, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh vẫn là trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ lớn của cả nước nên cần có các chính sách hỗ trợ DN về vốn, thông tin thị trường, mở rộng giao thương quốc tế, sớm đưa thành phố trở thành trung tâm giao dịch thương mại quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Phát triển công nghiệp của thành phố hiện nay đang đối mặt với tình trạng năng lực cạnh tranh chưa cao; hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp, hạ tầng xuống cấp, đất sản xuất còn ít, giá thuê đất cao... Vì vậy, cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành Công Thương, tạo ra sản phẩm chủ lực, gắn với thương hiệu.
Ngành Công Thương đã có sự chuyển biến tích cực và toàn diện, nhất là vấn đề cải cách hành chính, xuất khẩu... Với tư cách là ĐBQH, ý kiến đánh giá của ông về sự chuyển biến này như thế nào?
Hoạt động xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh luôn duy trì mức tăng trưởng cao, hoạt động thương mại bán lẻ sôi động, nổi bật, bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho nhu cầu sinh hoạt người dân. Để đạt được kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương; trong đó, việc hiện thực hóa các chính sách, hỗ trợ đồng hành cùng DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đã được ngành Công Thương triển khai thực hiện hiệu quả.
Cụ thể, thành phố đã tập trung hỗ trợ DN phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa...; đồng hành cùng DN giải quyết những khó khăn liên quan đến hải quan, thuế, cải cách thủ tục hành chính một cửa liên thông... Thành phố cũng công bố sản phẩm chủ lực, hình thành chuỗi liên kết từng ngành hàng, sản phẩm; hỗ trợ chính sách về đất đai, khoa học - công nghệ, vốn, đào tạo nguồn nhân lực, xem DN tư nhân trở thành động lực kinh tế quan trọng.
TP. Hồ Chí Minh đã có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Theo ông, thành phố cần làm gì để vận dụng hiệu quả chính sách này?
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54/2017/QH14 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Thành ủy, UBND, HĐND thành phố đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Theo đó, chỉ đạo xây dựng nội dung đặt hàng, mời gọi các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực để nghiên cứu, đề xuất cho thành phố tranh thủ tối đa cơ chế, chính sách mới, vượt trội hơn quy định pháp luật hiện nay và phù hợp với Nghị quyết 54 của Quốc hội để có sự phát triển bứt phá.
Cơ chế đặc thù sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho thành phố trong việc giảm thủ tục hành chính về quản lý đất đai, chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp để tự quyết nguồn lực đất đai vào việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, khu giãn dân, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, dân sinh. Về quản lý tài chính, việc bán lại tài sản nhà nước trung ương để lại cho thành phố 50% hay cổ phần hóa DN nhà nước để lại hoàn toàn cho thành phố cũng được xem là cơ chế thông thoáng, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong tầm nhìn dài hạn...
Xin cảm ơn ông!