Chất lượng niêm yết: Nhìn sâu để cải tổ
Ðiểm sửa đổi đáng chú ý là quy định ý kiến kiểm toán đối với khoản mục vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp phải là ý kiến chấp nhận toàn phần.
Trường hợp ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính là chấp nhận có ngoại trừ, thì yếu tố ngoại trừ không phải là 2 khoản mục vốn chủ sở hữu (trừ trường hợp ý kiến ngoại trừ về việc chưa bàn giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) và khoản mục trọng yếu khác ảnh hưởng đến điều kiện niêm yết.
Thông tư mới cũng quy định, trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết là công ty mẹ, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất, trong đó lợi nhuận sau thuế và vốn chủ sở hữu được xác định sau khi đã loại trừ lợi ích của cổ đông không kiểm soát. Ðể lấp khoảng lúng túng của thị trường hiện nay với các DN muốn duy trì niêm yết sau M&A, văn bản mới yêu cầu DN được duy trì niêm yết sau M&A nếu đáp ứng các điều kiện, trong đó có quy định ROE phải đạt tối thiểu 5%...
Xem xét chất lượng cổ phiếu trên 2 sàn, một đánh giá mới đây cho biết, 6 tháng vừa qua, 2 sàn có trên 30 mã cổ phiếu có vấn đề, cụ thể là có 6 mã bị cảnh báo (KSA, BLF, CMI, KHB, KSK, ORS), có 3 mã bị kiểm soát đặc biệt (JVC, PNC, TTF) và có đến 23 mã bị kiểm soát vì nhiều lý do khác nhau (AGR, CIG, CMX, BHT, SD7, SAV…).
Thước đo về chất lượng hàng hóa là vậy, còn thước đo về độ sâu thanh khoản cũng cho thấy một thực tế đáng suy nghĩ: 2 Sở có gần 170 mã cổ phiếu có tỷ suất vòng quay chứng khoán tối thiểu (turnover ratio) dưới mức 0,02%.
Nhiều mã cổ phiếu thậm chí không có giao dịch trong nhiều tháng liền (CLM, BST, BED, BDB…), khiến hình ảnh cổ phiếu niêm yết nói chung ít nhiều bị méo mó khi đặt trong bức tranh chung toàn thị trường.
Trong một nền kinh tế có đến trên 500.000 DN được thành lập, nói đến các DN niêm yết, cổ phiếu niêm yết là nói đến một lớp doanh nghiệp tiên phong minh bạch, hiệu quả kinh doanh ở hàng “chiếu trên”, nhưng hiện trạng sàn giao dịch lại có không ít DN ở tình trạng trì trệ về kinh doanh hoặc thanh khoản.
Thực tế này cho thấy, chất lượng niêm yết cần phải cải tổ và cải tổ mạnh mẽ, để TTCK xứng đáng là thị trường mà ở đó đồng vốn có cơ hội sinh lợi và dễ dàng luân chuyển.
Sau bước cải thiện chất lượng lõi của DN niêm yết bằng những quy định mới tại Thông tư số 29, thị trường kỳ vọng nhà quản lý sẽ chặt chẽ hơn trong việc xem xét, sàng lọc về thanh khoản trong tiêu chuẩn duy trì niêm yết trên sàn. Khi thanh khoản quá yếu và kéo dài, cổ phiếu ở lại sàn phỏng có ích gì cho cổ đông, cho DN và nhà đầu tư?