Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị
Thiếu chủ động
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện cả nước có 845 ha rau các loại, sản lượng khoảng 14,5 triệu tấn. Đối với cây ăn quả, hiện cả nước có khoảng 700 ngàn ha với sản lượng khoảng 7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm. Nếu năm 2009 xuất khẩu được khoảng 439 triệu USD thì đến năm 2014 xuất khẩu gần 1,5 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 488 triệu USD tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2014. Rau quả Việt Nam đã xuất khẩu sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường chính là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa kỳ, Nga, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.
Nhu cầu rau quả thế giới liên tục tăng trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới là động lực chính dẫn tới sản xuất và xuất khẩu rau quả Việt Nam liên tục phát triển trong giai đoạn 2010 - 2015. Song do nhiều nguyên nhân cả trong nội tại sản xuất và thị trường, nhóm hàng này lại là nhóm hàng dễ tổn thương nhất khi thị trường có biến động. Nhưng khó khăn cơ bản của rau, quả Việt Nam hiện nay vẫn do chất lượng nông sản Việt Nam chưa được cải thiện, phương thức sản xuất kinh doanh lạc hậu, thiếu chủ động, trong khi đó các nước nhập khẩu yêu cầu về chất lượng hàng hóa cao hơn. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu rau, quả khác ngày càng gay gắt khiến nhóm hàng này đối mặt với nhiều khó khăn.
Điển hình như thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu, 3 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này tăng rất mạnh, đạt 131 triệu USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian gần đây phía Trung Quốc thắt chặt quản lý chất lượng, tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu được thực hiện qua con đường tiểu ngạch, các đối tác phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách thương mại biên giới của địa phương với các hình thức buôn bán không ổn định nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và rủi ro bất thường.
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, ngành rau quả đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tuy nhiên những tồn tại trong ngành này vẫn chưa được giải quyết, như: sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đều; công nghệ bảo quản thiếu và lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp; chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với rau quả chưa được kiểm soát nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật ( Bộ NN&PTNT) phản ánh: Hiện nay rất nhiều nước đưa ra quy định nghiêm ngặt đối với vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, trong khi, rau qua nhiều vùng vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên không đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng. "Tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau, quả vẫn còn phổ biến. Thực trạng trên dẫn tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam.” - ông Hồng lưu ý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đánh giá, hiện nay công tác thông tin, kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hữu quan còn yếu. Thực tế là có sự đứt đoạn trong các khâu xử lý thông tin và khai thác thông tin. Các cơ quan quản lý theo lĩnh vực có đầy đủ thông tin theo lĩnh vực của mình nhưng cách thức phối hợp khai thác thông tin phục vụ cho công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất... chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, ách tắc nông sản tại các cửa khẩu...
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa phát huy hết được vai trò trong việc quản lý và điều tiết sản xuất. "Đã đến lúc làm rõ vai trò chính quyền địa phương ở đâu trong canh tác sản xuất. Các địa phương phải làm cái gì để đảm bảo cho người nông dân tuân thủ theo quy hoạch" - Thứ trưởng Tuấn Anh đặt câu hỏi.
Phân định rõ trách nhiệm bộ, ngành
Theo Bộ Công Thương, để đáp ứng nhu cầu rau quả ngày càng gia tăng tại thị trường trong nước và nước ngoài, cần có các giải pháp tổng thể tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông sản theo hướng hiện đại. như: cần ưu tiên đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi với các quy mô khác nhau, đặc biệt chú trọng quy mô vừa và nhỏ. Kết hợp công nghệ bảo quản truyền thống với tiên tiến, hiện đại trong điều kiện Việt Nam, hình thành hệ thống các xưởng sơ chế đóng gói ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đồng thời, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật bảo quản rau quả như: Sấy chân không, nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến thủ công quy mô nhỏ theo hướng công nghệ tiên tiến, suất đầu tư thấp, chế biến tổng hợp...
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi cũng cần được chú trọng. Trong đó, ban hành các thông tư liên tịch làm rõ phân công và cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Hợp nhất các văn bản dưới luật, xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng Luật và văn bản dưới luật. Huy động nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, nâng cao vai trò của các địa phương trong công tác theo dõi, quản lý sản xuất cả về quy hoạch và chất lượng, cũng như cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp một cách sát sao.
Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm củng cố thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, thông qua các hội chợ, hội thảo quảng cáo sản phẩm rau quả tại nước ngoài. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm, tổ chức các chiến dịch xúc tiến thương mại mang tính quảng bá sản phẩm tại các sự kiện lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website điện tử...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Quốc Doanh kiến nghị, để phát triển bền vững cần phải giải quyết các bất cập, khó khăn, và thực hiện tốt các quy định của những thị trường. Theo đó, cần tập trung rà soát lại quy hoạch theo hướng tập trung, quy hoạch đến đâu phải đảm bảo chất lượng thâm canh đến đó.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, cần thống nhất trong việc phân định trách nhiệm của các bộ, ngành. Có cơ chế cung cấp thông tin dự báo về sản lượng, diện tích hàng năm. Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT để thông tin về thị trường cả ngắn và dài hạn để Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch sản lượng rau quả trái cây hàng năm.