Chỉ số niềm tin kinh tế toàn cầu trong quý I/2021 tăng mạnh nhất trong lịch sử
GECS là khảo sát kinh tế thường kỳ có quy mô lớn nhất với sự tham gia của hơn 1.000 kế toán và chuyên gia tài chính cấp cao trên thế giới, đã xác định được quy mô thực sự của cuộc suy thoái toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và theo dõi mức độ sụt giảm niềm tin kể từ khi đại dịch bắt đầu. Khảo sát này cũng cho thấy một triển vọng mới về chỉ số niềm tin nhờ vào tác động tổng hợp của vaccine và các gói kích thích tài chính.
Khảo sát GECS lần này đã ghi nhận mức tăng trưởng nhảy vọt của chỉ số niềm tin toàn cầu kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện từ 10 năm trước đây. Điều kiện kinh tế đã được cải thiện đáng kể trong khoảng thời gian giữa cuộc khảo sát quý 4/2020 được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái và cuộc khảo sát quý 1/2021 được thực hiện vào tháng 3 năm nay.
Các chuyên gia đánh giá cao quyết định phê chuẩn sử dụng một số loại vaccine Covid-19 hiệu quả cao - và tiếp đến là việc triển khai kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng ở nhiều quốc gia là một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Các chỉ số đo lường hoạt động kinh tế được dùng trong khảo sát bao gồm số lượng đơn hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, việc làm, đều có sự tăng trưởng nhất định trong quý 1/2021 - khá giống với chỉ số lòng tin trong quý 4/2019 trước khi xảy ra đại dịch.
Theo ông Michael Taylor - Chuyên gia kinh tế trưởng tại ACCA: “Năm 2020, sau khi trải qua cuộc suy thoái lớn nhất trong vài thập kỷ gần đây, nền kinh tế toàn cầu đang nhanh chóng lấy lại đà phục hồi. Tin tốt là các nước trên thế giới đang tiếp tục hỗ trợ chính sách để triển khai kế hoạch tiêm chủng nhằm đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi vực thẳm Covid-19 trong năm nay”.
Ông Raef Lawson - Ph.D., CMA, CPA, Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu và chính sách của IMA - nhận định, lộ trình phục hồi kinh tế toàn cầu hiện nay khác với lộ trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, khi các công ty tư nhân phải tăng cường tiết kiệm để có thể cân đối tài chính.
Ông Lawson cho biết: “Sự khác biệt của cuộc khủng hoảng lần này nằm ở chỗ nguyên nhân gốc rễ của nó là các vấn đề về y tế chứ không phải các vấn đề kinh tế. Hiện vẫn còn nhiều rủi ro do tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên toàn cầu còn tương đối cao so với tỷ lệ tiêm chủng. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ quy mô lớn của chính phủ dành cho hộ gia đình và khu vực doanh nghiệp trong năm qua sẽ góp phần duy trì khả năng chi tiêu của cả hai khu vực này sau khi cuộc khủng hoảng y tế kết thúc. Có thể cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trong xu hướng chi tiêu và để lại các hậu quả kinh tế lâu dài khác".
Có 3 yếu tố lớn đang ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế hiện nay. Thứ nhất là tỷ lệ tiêm chủng. Việc tiêm chủng có thể giúp gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội hiện đang được áp dụng để kiểm soát dịch, qua đó giúp khôi phục hoạt động kinh tế. Thứ hai là các gói kích thích tài khóa lớn, ví dụ như các gói kích thích tài khóa của Mỹ, sẽ có tác động lan tỏa tích cực đến nền kinh tế của các quốc gia khác. Cuối cùng, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển, các khoản tiết kiệm đáng kể tích lũy được trong các giai đoạn chi tiêu bị hạn chế nghiêm trọng có thể góp phần kích cầu khi điều kiện kinh tế được cải thiện.
Các phát hiện của cuộc khảo sát quý 1/2021 cũng cho thấy, tương tự như chỉ số về số lượng đơn hàng, chỉ số niềm tin đã được cải thiện ở tất cả các khu vực ngoại trừ châu Phi. Các chỉ số “quan ngại cao” lo ngại về việc khách hàng và nhà cung cấp bị phá sản có kết quả khảo sát không đồng nhất, mặc dù đều ở trên mức trung bình dài hạn, phản ánh sự gia tăng của mức độ không chắc chắn. Ngoài ra, lo ngại về chi phí ngắn hạn cũng tăng, phản ánh việc tăng giá hàng hóa và các chi phí khác khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Bên cạnh đó, khảo sát GECS cho thấy, 2/3 số người trả lời khảo sát cho rằng tỷ lệ lạm phát sẽ tăng trong 5 năm tới, trong đó khu vực Bắc Mỹ dự kiến sẽ có tỷ lệ lạm phát cao hơn so với khu vực Tây Âu.
Đối với khu vực Bắc Mỹ, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng trưởng trên 6% trong năm nay, chủ yếu do tác động tích cực của chính sách tài khóa; các gói kích thích tài khóa có trị giá lên đến 14% GDP đã được thông qua kể từ tháng 12/2020. Phần lớn các kế hoạch chi tiêu của Kế hoạch giải cứu nước Mỹ mới nhất không liên quan trực tiếp đến các khoản cứu trợ Covid-19 mà là các chính sách khác của chính quyền tổng thống mới. Tuy nhiên, những khoản tiền trợ cấp cho các hộ gia đình có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng bằng cách bổ sung cho khoản tiết kiệm tích lũy của người có thu nhập thấp. Tổng mức tiết kiệm bổ sung của khu vực hộ gia đình (ngoài mức tiết kiệm trong trường hợp không có trợ cấp) ước đạt 1,8 nghìn tỷ USD (8% GDP).
Nền kinh tế Mỹ suy giảm ở mức tương đối ít là 3,5% trong năm 2020 nhưng đã tăng trưởng ổn định khi bước sang năm 2021. Hiện nay phần lớn dân số đã được tiêm phòng, nền kinh tế đang tiến vào quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ thậm chí trước cả khi các gói kích thích kinh tế mới nhất được triển khai.
Ông Lawson nhận định: “Trên thực tế, Mỹ gần như chắc chắn sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên sau Trung Quốc có thể khôi phục được mức sản xuất như trước đại dịch vào nửa cuối năm nay. Rủi ro đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đang được nới lỏng đáng kể đi đôi với mức tiết kiệm cao có thể dẫn đến tình trạng tăng trưởng nóng và khiến lạm phát gia tăng”.
Ông Taylor đề cập đến mối lo ngại về tình trạng lạm phát cao và kéo dài. Trước đây, trong bối cảnh giãn cách xã hội, mức cầu thị trường và giá hàng hoá giảm mạnh, tỷ lệ lạm phát chạm 0% ở nhiều nền kinh tế phát triển và sụt giảm ở các nền kinh tế khác. Ông Taylor cho biết: “Trong khi thế giới hậu đại dịch đang từng bước định hình, có khả năng lạm phát sẽ tăng cao trong ngắn hạn và trung hạn". Trong tương lai gần, chi phí gia tăng có khả năng sẽ đưa tỷ lệ lạm phát trở lại mức 2% trong nhiều trường hợp.
Khảo sát quý 1/2021 diễn ra từ ngày 26/2 đến ngày 11/3/2021, với phản hồi từ 1.004 thành viên ACCA và IMA, trong đó bao gồm hơn 100 giám đốc tài chính. |