Chi trả trợ cấp một lần đối với người có công- Cần rà soát đúng, trúng, đối tượng
Hơn 30 năm qua, bà Nguyễn thị Tuyết luôn xem Huân chương kháng chiến như là “bảo bối” để con, cháu lấy đó làm niềm tự hào |
Chính sách nhân văn
Quyết định 24/2016/QĐ – Ttg của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/6/2016. Quyết định này quy định mức trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (gọi chung là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ) hoặc Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là Bằng khen của Bộ trưởng) hoặc Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Bằng khen của cấp tỉnh). Mức trợ cấp được hưởng là từ 1.210.000 – 1.815.000 đồng (theo từng loại bằng khen)
Theo ông Nguyễn Đăng Dương- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An thì sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 24, Nghệ An là một trong những tỉnh lập hồ sơ, chi trả rất sớm chế độ trợ cấp một lần cho những người có thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được tặng Bằng khen. Cụ thể, đợt 1 tỉnh đã chi trả trợ cấp một lần cho 32.468 trường hợp với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng; đợt 2 hiện Sở cũng đã tổng hợp và trình tỉnh Nghệ An hơn 5.200 trường hợp. Vậy Nghệ An còn bao nhiêu trường hợp được tặng thưởng Bằng khen nhưng chưa được nhận trợ cấp một lần?
Ông Vương Văn Khánh- Phó Trưởng Ban thi đua khen thưởng tỉnh Nghệ An cho hay, toàn tỉnh Nghệ An có 77.598 trường hợp được tặng bằng khen các loại. Hiện Ban thi đua khen thưởng tỉnh Nghệ An đang tiếp tục trình tỉnh tặng bằng khen cho 5.775 trường hợp khác.
Rà soát đúng, trúng, đối tượng
Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và xã hội, hiện với hơn 30.000 đối tượng được chi trả và lập hồ sơ, Nghệ An về cơ bản đã thực hiện chi trả xong theo Quyết định 24. Tuy nhiên, theo số liệu ở Ban thi đua khen thưởng tỉnh, nếu tính theo Quyết định 24, Nghệ An đang có khoảng 45.000 trường hợp chưa lập hồ sơ, chưa được chi trả. Trong số này, có 43.000 trường hợp là bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh (giai đoạn từ 2007 – 2013) và 2855 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay trong những trường hợp chi trả cũng đang có những tồn tại. Tại xã Vân Diên huyện Nam Đàn, trong tổng số gần 200 trường hợp được chi trả thì có hơn 10 trường hợp buộc phải “tạm dừng” mặc dù đã có Bằng khen của UBND tỉnh cấp năm 2008 về “Thành tích trong kháng chiến chống Mỹ” như trường hợp của ông Nguyễn Văn Công, bà Bùi Thị Xuân…
Bà Vũ Thị Phương Hảo- cán bộ chính sách xã Vân Diên cho biết, theo quy định thì hồ sơ của họ là hợp lệ. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào năm sinh thì chúng tôi được yêu cầu phải xem xét vì thời điểm đó họ còn nhỏ, chưa đến tuổi trưởng thành… Một số trường hợp khác, dù có bằng khen nhưng không ghi rõ tên xóm, tên làng nên cán bộ chính sách xã cũng không biết được họ còn sống hay đã mất, đang ở địa phương hay cư trú đi nơi khác để lập hồ sơ hoặc để truy tặng bằng khen… Trên toàn huyện Nam Đàn, trong tổng số hơn 4.000 hồ sơ đã được phê duyệt, có 274 hồ sơ phải xem xét lại do “vướng” về ngày, tháng, năm sinh.
Ông Nguyễn Đăng Dương- Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Nghệ An cũng thừa nhận, hiện có ba vướng mắc chủ yếu trong quá trình chi trả theo quyết định 24. Đó là bằng khen không có thân nhân để nhận tiền chi trả, đối tượng đã chuyển đi nơi khác không liên lạc được hoặc nhiều trường hợp bằng khen đã rách nát, không làm được hồ sơ.