Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh
Tại hội thảo, doanh nghiệp (DN), nhà quản lý, các chuyên gia đã thảo luận sôi nổi nhằm tìm ra giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam mạnh, có chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” |
Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam - một chương trình xúc tiến thương mại dài hạn của Chính phủ, nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị: Chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong.
Xây dựng thương hiệu, đặc biệt phát triển thương hiệu gắn với yếu tố xanh ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của DN. Theo nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch có mức tăng trưởng bình quân khoảng 4%/năm. Đơn cử ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%.
Chia sẻ cụ thể tại DN, đại diện Công ty CP Traphaco cho hay: Ban đầu DN sử dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên cho sản xuất, sau đó tự xây dựng vùng dược liệu sạch, an toàn để tạo ra sản phẩm. Hiện Traphaco đang sở hữu sản phẩm hoạt huyết dưỡng não - một trong top 10 sản phẩm bán chạy nhất Việt Nam.
Sản xuất xanh đã và đang tạo ra giá trị thương mại cho DN. Tuy nhiên ông Vũ Xuân Trường - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khá băn khoăn: Để phát triển thương hiệu xanh, thách thức lớn nhất của DN là mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Nguyên do, cộng đồng DN hiện nay phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, năng lực vốn yếu trong khi phát triển sản phẩm xanh cần đầu tư rất lớn. Công nghệ xanh trên thế giới có rất nhiều nhưng thực tế áp dụng tại DN còn hạn chế do nhân lực chưa đáp ứng cũng là trở ngại không nhỏ.
Một khía cạnh khác, không ít người tiêu dùng vẫn cho rằng sản phẩm xanh là loại hàng hóa đặc biệt. Chỉ những người tiêu dùng có thu nhập ở một mức độ nào đó mới có khả năng chi trả. Kết quả điều tra của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho thấy: Chỉ người tiêu dùng tại các thành phố mới sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm xanh, rất nhiều người dân khu vực nông thôn không chú ý tới vấn đề này.
Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng - đại diện Công ty Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc đồng tình: Để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Theo đó, DN cần xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường. Luôn đặt vấn đề sức khỏe vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm để cung cấp cho khách hàng và có một chiến lược trọng tâm về phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững…
Chuyên gia kinh tế - Lưu Bích Hồ cũng khuyến cáo: Việc thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam hướng tới phát triển xanh để tạo một nền kinh tế xanh cho đất nước thì vai trò của nhà nước đặc biệt quan trọng. Khâu quản lý, giám sát phải được thực hiện tốt, tạo sự minh bạch mới xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Cần truyền thông rộng rãi để không chỉ DN mà cả người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất xanh, tiêu dùng xanh.
Với các quan điểm, mục tiêu trong chủ đề chiến lược thương hiệu gắn với tăng trưởng xanh, hội thảo đã tạo cơ hội cho các nhà quản lý, nhà đầu tư và các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác để phát triển thương hiệu bền vững; đồng thời quảng bá về chương trình Thương hiệu Quốc gia; qua đó góp phần xúc tiến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh trên trường quốc tế.
Đó cũng là mục đích của chương trình Thương hiệu Quốc gia – chương trình duy nhất của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương - Cục Xúc tiến thương mại là cơ quan thường trực triển khai.