Sau khi Tel Aviv ra tuyên bố về kế hoạch ngừng bắn dọc hành lang nhân đạo ở miền Nam Dải Gaza, quân đội Israel đưa ra tuyên bố "không thể chấp nhận" đề xuất này. Quan điểm này cũng được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hưởng ứng.
"Khi nghe báo cáo về lệnh ngừng bắn nhân đạo kéo dài 11 giờ vào buổi sáng, ông đã quay sang thư ký quân sự của mình và nói rõ rằng điều này là không thể chấp nhận được", ngày 16/6, một quan chức Israel giấu tên cho biết khi nói về phản ứng của Thủ tướng Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn duy trì đường lối cứng rắn về việc giải quyết xung đột tại Dải Gaza. Ảnh: AP |
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) trước đó cùng ngày thông báo kế hoạch "ngừng bắn chiến thuật" từ 8 giờ đến 19 giờ hằng ngày, dọc theo hành lang nhân đạo do Israel thiết lập trong vùng tác chiến ở phía nam Dải Gaza. Hành lang nhân đạo khởi hành từ cửa khẩu Kerem Shalom ở biên giới Israel - Gaza, di chuyển đến đường Salah al-Din ở ngoại ô phía đông thành phố Rafah và sau đó tới khu vực ngoại ô Khan Younis.
Văn phòng Thủ tướng Israel ra tuyên bố nói rằng ông Benjamin Netanyahu không biết gì lệnh ngừng bắn chiến thuật. “Sau cuộc điều tra, Thủ tướng được thông báo rằng không có thay đổi nào trong chính sách của quân đội Israel và cuộc giao tranh ở Rafah vẫn tiếp tục như kế hoạch", nguồn tin từ Tel Aviv cho biết.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir, người theo chủ nghĩa dân tộc trong liên minh cầm quyền của ông Netanyahu, lên án kế hoạch ngừng bắn chiến thuật và nói rằng bất kỳ ai quyết định như vậy đều đáng bị cách chức.
Phản ứng của Thủ tướng Israel và thành viên liên minh cầm quyền sau thông báo của IDF nhấn mạnh căng thẳng chính trị trong nội bộ Israel, khi chiến dịch ở Dải Gaza bước sang tháng thứ 9. Tranh cãi mới xảy ra một tuần sau khi ông Benny Gantz, thành viên nội các chiến tranh Israel, rút khỏi vị trí và cáo buộc Thủ tướng Netanyahu không có chiến lược hiệu quả ở Dải Gaza.
Triển vọng chấm dứt xung đột ở Dải Gaza vẫn chưa hiện hữu, bất chấp những nỗ lực quốc tế ngày càng lớn. Xung đột ở Dải Gaza bùng phát từ đầu tháng 10 năm ngoái, sau cuộc tấn công bất ngờ của nhóm vũ trang Hamas vào miền nam Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị bắt cóc. Tel Aviv đã lập tức tiến hành chiến dịch đáp trả Hamas ở Gaza. Hơn 8 tháng giao tranh phá hủy phần lớn Gaza và khiến hơn 37.000 người Palestine thiệt mạng, theo số liệu của cơ quan y tế Dải Gaza.
Dù các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hầu hết người Israel ủng hộ mục tiêu xóa sổ phong trào Hamas nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Israel khi người dân chỉ trích chính quyền Thủ tướng Benjamim Netanyahu không làm nhiều hơn để đưa khoảng 120 con tin còn bị giam giữ ở Dải Gaza trở về.
Một trong các dấu hiệu khác cho thấy giao tranh ở Dải Gaza có thể kéo dài, chính phủ của ông Benjamim Netanyahu ngày 16/6 cho biết sẽ gia hạn thời gian tài trợ khách sạn và nhà nghỉ cho cư dân sơ tán khỏi các thị trấn biên giới phía Nam Israel tới ngày 15/8.
Xung đột tại Dải Gaza không sớm được giải quyết trong tương lai gần. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có thể ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant trong 10 ngày tới.
Ngày 20/5, công tố viên ICC đã yêu cầu ban hành lệnh bắt giữ Benjamin Netanyahu, cũng như Bộ trưởng Yoav Galant. Ngay sau thông tin trên, Tổng thống Israel Isaac Herzog gọi quyết định này là “sự sụp đổ của hệ thống tư pháp thế giới”. Trong số các tội ác chiến tranh mà ông Netanyahu và Galant bị cáo buộc là việc sử dụng nạn đói của dân thường như một phương pháp chiến tranh.
Đầu tháng 6/2024, Ủy ban Thủ tục Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dự luật trừng phạt ICC về yêu cầu ban hành lệnh bắt giữ đối với các thành viên của chính phủ Israel và Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Washington không ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với Israel.