Chiến sự Israel - Hamas ngày 8/4/2024: Israel rút quân khỏi phía nam Dải Gaza
Trả lời phỏng vấn Hãng tin ABC News về khả năng Mỹ có thể can thiệp quân sự vào Dải Gaza hay không? Điều phối viên truyền thông chiến lược của Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh rằng, Washington không có kế hoạch gửi quân tham chiến cùng /chu-de/chien-su-israel-hamas.topic.
“Chúng tôi sẽ không cho phép quân đội Mỹ tiến vào Dải Gaza và tham gia vào cuộc chiến này. Những gì chúng tôi sẽ làm là đảm bảo rằng Israel có các công cụ và khả năng cần thiết để tự vệ. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ rằng, chúng tôi sẽ buộc Israel phải chịu trách nhiệm về cách họ tiến hành các hoạt động của mình”, ông John Kirby tuyên bố.
Theo đó, Mỹ vẫn là một người bạn tốt của Israel. Và đất nước này có quyền tự vệ, đặc biệt trước vô số mối đe dọa đến từ các nước láng giềng trong khu vực. Tuy nhiên, Washington sẽ yêu cầu mức độ trách nhiệm và việc bảo vệ dân thường trong các hoạt động quân sự của Israel.
Trước sức ép từ Mỹ và cộng đồng quốc tế, Israel đã rút bớt lực lượng quân sự khỏi phía Nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters |
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra tối hậu thư cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Washington sẽ ngừng giúp đỡ Tel Aviv nếu hoạt động quân sự tại Dải Gaza không có sự thay đổi phù hợp.
Liên quan tới hoạt động quân sự tại /chu-de/dai-gaza.topic, Quân đội Israel tuyên bố rút bộ binh khỏi Khan Younis, thành trì của lực lượng Hamas ở miền nam Dải Gaza, sau khi tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ tại đây.
"Sư đoàn Biệt kích số 98 đã hoàn thành nhiệm vụ tại Khan Younis. Sư đoàn đã rời khỏi miền nam Dải Gaza để hồi phục và chuẩn bị cho các chiến dịch trong tương lai", Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo.
Tuy nhiên, các đơn vị quân sự còn lại do Sư đoàn 162 và Lữ đoàn Nahal làm chủ lực, sẽ tiếp tục hoạt động ở Dải Gaza nhằm bảo đảm "sự tự do hành động và năng lực thực chiến dựa trên thông tin tình báo chính xác" của IDF.
Truyền thông Israel cho biết, Lữ đoàn Nahal được giao nhiệm vụ bảo vệ Hành lang Netzarim. Đây là tuyến đường kéo dài từ khu định cư Be'eri ở miền nam Israel tới bờ biển, chia cắt Dải Gaza thành hai nửa bắc và nam.
Hành lang Netzarim giúp quân đội Israel có thể tiến hành các cuộc tấn công ở miền Bắc và khu vực trung tâm Dải Gaza; ngăn người tị nạn Palestine quay trở lại miền bắc, cũng như cho phép các tổ chức nhân đạo chuyển hàng viện trợ đến khu vực.
Một quan chức quân đội Israel giấu tên cho biết, IDF rút quân khỏi Khan Younis vì thực tế không còn mục tiêu tại đây: "Sư đoàn 98 đã tiêu diệt các lữ đoàn Khan Younis của Hamas và vô hiệu hóa hàng nghìn chiến binh tại đây. Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể ở đó".
Động thái rút quân sẽ tạo điều kiện để dân Palestine có thể trở về nhà sau khi chạy nạn tới thành phố Rafah ở cực nam Dải Gaza.
"Tuy nhiên, quân đội Israel sẽ tiếp tục hoạt động ở đó tùy theo tình hình thực tế", quan chức IDF cho biết.
Israel đang giữ các vị trí chiến lược tại Dải Gaza với mục tiêu khống chế dải đất này lâu dài. Ảnh: AP |
IDF tuyên bố đã làm tan rã 18 trên tổng số 24 tiểu đoàn của phong trào Hamas tại Dải Gaza, đồng nghĩa các lực lượng này không còn khả năng vận hành như phong trào quân sự có tổ chức. 4 tiểu đoàn Hamas đang co cụm ở thành phố Rafah và 2 đơn vị khác đang ẩn náu ở miền trung Gaza.
Việc IDF rút quân khỏi thành trì Khan Younis của Hamas ở miền Nam dải đất làm giảm khả năng quân đội Israel mở chiến dịch tấn công vào Rafah. Chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Nentanyahu trước đó nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục đưa quân vào Rafah, nơi có khoảng 1,5 triệu người Palestine đang tị nạn, làm dấy lên nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tại đây.
Israel trước đó thừa nhận đã tập kích nhầm đoàn xe cứu trợ quốc tế hôm 1/4 khiến 7 người chết, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới. Dù vậy, một quan chức IDF cấp cao giấu tên cho biết việc quân đội Israel rời khỏi Khan Younis không liên quan đến sức ép của Mỹ.