Chiến sự Nga-Ukraine 12/6/2024: Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu lí do Washington không muốn đàm phán về Ukraine
Một số diễn biến liên quan
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ: Washington sẽ không đàm phán vì thành công trên chiến trường của Nga. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Stephen Bryan cho rằng, Mỹ sẽ không đàm phán về Ukraine vì những thành công của quân đội Nga.
“Mỹ thậm chí sẽ không xem xét các cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine bây giờ, bởi vì Nga đang giành lợi thế trên chiến trường”, ông Bryan nhấn mạnh.
Theo dự báo của cựu Thứ trưởng Quốc phòng, Mỹ sẽ cố gắng giúp Ukraine đạt được một số thành công nhất định trong cuộc chiến với Nga, đồng thời gia tăng các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga - có tính đến điều kiện của Tổng thống Biden là các cuộc tấn công này sẽ không ảnh hưởng đến Moscow.
“Tuy nhiên, kịch bản như vậy của Washington khó có thể xảy ra khi quân đội Nga tiếp tục tiến lên phía trước”, Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ bày tỏ.
Nga kiểm soát thêm 2 làng tiền tuyến. Theo Bộ Quốc phòng Nga, binh lính nước này vừa giành quyền kiểm soát thêm 2 làng nữa ở khu vực tiền tuyến Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cả 2 bước tiến mới của các lực lượng Moscow ở Ukraine đều là thành quả của nhóm chiến đấu phía tây. Làng Artyomovka ở vùng miền đông Luhansk và làng Timkovka thuộc vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine hiện đã vào tay quân Nga.
Nhà chức trách Nga thống kê, gần khu vực tiền tuyến Kupyansk và Nevskoye, nhiều đơn vị của Ukraine đã hứng chịu tổn thất nặng nề. Chỉ trong 24 giờ qua, Kiev ước tính đã mất tới hơn 560 binh sĩ ở quanh khu vực này.
Moscow đánh giá, quân Ukraine đang dần mất thế đứng trước binh lính Nga trong những tháng gần đây, đặc biệt là những thất bại nghiêm trọng ở Kharkiv hồi tháng trước.
Ukraine mong Nga sẽ dự hội nghị hòa bình. Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, Kiev muốn Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh lần hai, để tiếp nhận lộ trình đã được quốc tế thống nhất nhằm chấm dứt xung đột.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ: Washington sẽ không đàm phán vì thành công trên chiến trường của Nga. Ảnh: RIA Novosti |
This browser does not support the video element.
Theo ông Yermak, “kinh nghiệm tồi tệ” từ các cuộc đàm phán trước đây với Nga, trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, cho thấy cần phải chấm dứt xung đột trên nền tảng được quốc tế ủng hộ ngay từ đầu, dựa trên luật pháp quốc tế.
“Đối với hội nghị thượng đỉnh thứ hai, chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các đồng nghiệp, với tất cả các quốc gia muốn tham gia. Chúng tôi đang tìm kiếm khả năng mời đại diện của Nga cùng nhau trình bày kế hoạch chung trong hội nghị thượng đỉnh lần hai”, ông Yermak nhấn mạnh.
Ukraine thiệt hại nặng về năng lượng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, các cuộc tấn công của Nga đã phá hủy phân nửa năng lực sản xuất điện của Ukraine kể từ mùa đông.
Các cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng của Nga đã gây ra tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng ở Ukraine, dẫn đến tình trạng mất điện.
"Do các cuộc tấn công của tên lửa và UAV của Nga, công suất 9 GW đã bị phá hủy. Đỉnh điểm tiêu thụ điện vào mùa đông năm ngoái là 18 GW. Vậy là một nửa bây giờ không tồn tại", ông phát biểu tại một hội nghị ở Berlin (Đức).
Nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi các nước cung cấp thêm hệ thống phòng không, khi cho rằng tên lửa và bom giúp binh sĩ Nga tiến lên trên chiến trường.
Đức chuyển thêm tên lửa, đạn dược cho Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, Berlin sẽ chuyển giao cho Kiev các hệ thống phòng không mới, bao gồm Patriot, IRIS-T và Gepard cũng như các tên lửa và đạn dược trong “những tuần và tháng tới”. Ông Scholz đồng thời kêu gọi các nước có mặt tại hội nghị ủng hộ sáng kiến của Đức nhằm tăng cường khả năng phòng không của Ukraine “bằng tất cả những gì mình có thể”.
Trước đó, chính phủ của ông Scholz từng thông báo bắt đầu huấn luyện binh lính Ukraine sử dụng hệ thống phòng không Patriot thứ 3 trước khi gửi nó cho Kiev.
This browser does not support the video element.