Chiến sự Nga-Ukraine 2/6/2024: Hungary muốn ngăn châu Âu gây chiến với Nga; NATO nói về phát triển vũ khí giá rẻ
Hungary muốn ngăn châu Âu gây chiến với Nga. Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, chính phủ Hungary muốn ngăn chặn châu Âu gây chiến với Nga và biết cách thực hiện.
“Chúng tôi có nhiệm vụ khổng lồ phía trước mà chúng tôi chưa từng có trước đây. Chúng tôi cần ngăn chặn châu Âu tham gia vào cuộc chiến sẽ dẫn đến sự hủy diệt của chính họ”, ông Orban nói.
Theo ông, cần phải ngăn chặn việc thực hiện các kế hoạch nguy hiểm của EU và NATO, dẫn đến mở rộng xung đột ở Ukraine, đồng thời bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới cho các đảng ủng hộ hòa bình chứ không phải chiến tranh.
Liệt kê các kế hoạch chiến tranh của phương Tây, bao gồm việc gửi quân đến Ukraine và cung cấp thêm vũ khí cho nước này, ông Orban cho rằng "châu Âu đang chuẩn bị cho chiến tranh và mỗi ngày đều trải qua giai đoạn mới trên con đường dẫn đến địa ngục”
NATO: Xung đột ở Ukraine cho thấy sự cần thiết phải phát triển vũ khí giá rẻ. Ảnh: RIA Novosti |
“Châu Âu đang lao vào cuộc chiến nhằm hủy diệt một đoàn tàu bị hỏng phanh và điều này phải được ngăn chặn”, Thủ tướng Hungary bày tỏ.
Thủ tướng Orban cũng nhắc lại, bất chấp áp lực từ Brussels và Washington, Hungary sẽ không cho phép mình bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Ukraine và buộc phải cử binh lính của mình tham gia sứ mệnh của NATO ở nước láng giềng.
Xung đột ở Ukraine cho thấy sự cần thiết phải phát triển vũ khí giá rẻ. Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng, cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy sự cần thiết phải phát triển vũ khí rẻ hơn.
Theo ông, tình huống sử dụng UAV trị giá 10.000 USD phá hủy xe tăng trị giá 10 triệu USD hoặc tên lửa 3,5 triệu USD để tiêu diệt UAV trị giá 10.000 USD là sai lầm.
“Chúng tôi không thể tiếp tục làm điều này từ quan điểm tài chính. Do đó đòi hỏi các giải pháp khác ngoài những giải pháp chúng tôi có. Đây là một trong những kết quả của cuộc chiến ở Ukraine”, ông Bauer cho biết.
Đồng thời, người đứng đầu Ủy ban quân sự NATO kêu gọi không đi đến cực đoan. “Chỉ vì một chiếc UAV có thể phá hủy những hệ thống vũ khí đắt tiền không có nghĩa là chúng ta không cần những hệ thống đó nữa”, ông Bauer nhấn mạnh.
Trung Quốc tuyên bố chưa bao giờ cung cấp vũ khí cho các bên xung đột ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân (Dong Jun) phát biểu tại diễn đàn an ninh quốc tế “Đối thoại Shangri-La” ở Singapore cho hay, Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga hay Ukraine và kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng.
“Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột. Chúng tôi đã thiết lập các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với việc xuất khẩu hàng hóa có công dụng kép và chưa bao giờ làm bất cứ điều gì có thể gây ra xung đột”, ông Đổng Quân nói, đồng thời cho biết thêm Trung Quốc luôn thể hiện quan điểm có trách nhiệm trong vấn đề Ukraine và ủng hộ đàm phán hòa bình.
Tổng thống Zelensky bác việc ngừng xung đột. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã bác bỏ việc Kiev sẽ hưởng lợi khi cuộc xung đột với Nga ngừng lại.
“Việc ngừng xung đột sẽ cho phép Nga tái trang bị và xây dựng lại sức mạnh. Họ có nhiều trang thiết bị hơn chúng tôi, nhưng cũng có nhiều hạn chế như thiếu binh sĩ dày kinh nghiệm, đạn pháo và tên lửa. Hơn nữa, việc ngừng xung đột sẽ có lợi cho đối phương, chứ không phải chúng tôi”, ông Zelensky nói.
“Nếu Nga có thể xây dựng lại lực lượng trong thời gian ngừng bắn, thì họ sẽ đủ mạnh để đưa ra tối hậu thư cho chúng tôi, những điều khoản như nhượng bộ lãnh thổ hay Ukraine không được gia nhập các liên minh như NATO. Việc ngừng bắn như vậy sẽ là cạm bẫy với chúng tôi”, ông Zelensky nhấn mạnh.