Chiến sự Nga-Ukraine 5/5/2024: Ukraine có thể yêu cầu quân đội châu Âu; Pháp ủng hộ tiếp tục đối thoại với Nga
Thông tin chiến sự
Ukraine đẩy lùi đợt tập kích UAV. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, lực lượng nước này đã đánh chặn 13 UAV cảm tử Shahed-13 của Nga tại vùng Kharkiv. Ngoài 13 UAV, Nga cũng sử dụng 4 tên lửa đất đối không trong đợt tập kích, nhưng quân đội Ukraine không đưa ra thông tin cụ thể về tình trạng của các tên lửa này.
"Các mảnh vỡ của UAV đã gây ra hỏa hoạn tại một số khu vực, nghiêm trọng nhất là đám cháy ở một nhà kho có diện tích gần 3.000 m2”, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo.
Không quân Ukraine cũng cho hay đã đánh chặn thành công 5 UAV cảm tử của Nga ở vùng Dnipro. Đợt tập kích đã làm hư hại một cơ sở hạ tầng trọng yếu ở thành phố Pavlohrad. Theo phía Ukraine, tính trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine, Nga đã tập kích 141 khu định cư và 222 cơ sở hạ tầng thiết yếu trong vòng 24 giờ qua.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục leo thang. Ảnh: RIA Novosti |
Nga hạ tên lửa ATACMS ở Crimea. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã bắn hạ 4 tên lửa đạn đạo tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine tại bán đảo Crimea.
Được biết, 4 tên lửa ATACMS đều bị hệ thống phòng không Nga đánh chặn trong đêm. Bộ Quốc phòng Nga không cho biết liệu các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống có gây ra thiệt hại gì hay không.
Trước đó, Moscow cho rằng Kiev, với sự hỗ trợ của phương Tây, đang âm mưu tấn công cầu Crimea trước thềm Nga tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào ngày 9/5.
Một số diễn biến liên quan
Ukraine có thể yêu cầu quân đội châu Âu. Phó Chủ tịch Quốc hội Ukraine Alexey Goncharenko cho biết, Ukraine có thể yêu cầu gửi quân đội châu Âu nếu nước này không có đủ lực lượng trong cuộc xung đột với Nga.
“Nếu tình hình ở mặt trận cho thấy Ukraine không thể tự ngăn chặn đối phương mà không có sự hỗ trợ quân sự và quân đội của châu Âu, thì tôi tin rằng hoàn toàn có thể yêu cầu quân đội”, ông Goncharenko nói.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận khả năng xem xét gửi quân tới Ukraine nếu Kiev yêu cầu và lực lượng Nga đột phá tiền tuyến.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi những phát biểu của ông Macron là xu hướng rất nguy hiểm. Ông Peskov cho hay, Nga sẽ tiếp tục hành động quân sự ở Ukraine cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu.
Tổng thống Macron: Cần tiếp tục đối thoại với Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng ủng hộ việc tiếp tục đối thoại với Nga.
“Chúng tôi đang làm điều đúng đắn khi để ngỏ cánh cửa đàm phán với Nga. Nếu không, chúng tôi sẽ từ bỏ trật tự quốc tế”, ông Macron nói.
Trước đó, Tổng thống Pháp đã nói rằng Liên minh châu Âu (EU) phải sẵn sàng xây dựng quan hệ với Nga sau khi xung đột Ukraine kết thúc.
Italia loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto mới đây đã đưa ra những bình luận về ý tưởng phương Tây đưa quân tới Ukraine của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
"Cá nhân tôi không thể đánh giá ông Macron. Nhưng tôi cũng không hiểu mục đích của các tuyên bố chắc chắn sẽ làm leo thang căng thẳng", ông Crosetto nói.
Theo Bộ trưởng Crosetto, Italia sẽ không đưa quân đội tới Ukraine, do luật pháp quốc gia này không cho phép làm như vậy. Bên cạnh đó, ông Crosetto cho rằng, việc các lực lượng nước ngoài xuất hiện ở Ukraine không có lợi cho Kiev.
"Italia vẫn duy trì quan điểm của mình. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ Ukraine, nhưng cũng loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào xung đột", ông Crosetto nhấn mạnh.
Trước đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo, sự can thiệp của ít nhất một nước châu Âu, hầu như chắc chắn là một nước NATO, vào xung đột Ukraine sẽ đồng nghĩa đối đầu trực tiếp với Nga và dẫn đến nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới.
Mỹ cấm Ukraine dùng tên lửa Mỹ tập kích lãnh thổ Nga. Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink mới đây đã tuyên bố, Kiev không được dùng tên lửa do Washington viện trợ để tập kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
"Mỹ và các đối tác cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ. Washington vẫn duy trì quan điểm từ đầu, không cho phép hay khuyến khích Kiev sử dụng tên lửa Mỹ để nhắm vào các mục tiêu bên ngoài lãnh thổ Ukraine", bà Brink cho biết.
Tuyên bố của bà Brink được đưa ra sau khi một số quốc gia châu Âu như Anh hay Latvia lên tiếng ủng hộ Kiev tập kích mục tiêu quân sự Nga bằng khí tài phương Tây.