Chiến sự Nga-Ukraine 19/2: Mỹ sẽ gửi thông điệp cho Tổng thống Putin, Nga dồn dập tiến công Donbass Chiến sự Nga-Ukraine (19/2): Các đơn vị phòng thủ Ukraine đang đồng loạt bỏ vị trí khỏi tiền tuyến |
Chia sẻ trên các kênh Telegram theo dõi tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine, nhiều nguồn tin tại thực địa cho biết, các nhóm xung kích của Tập đoàn Wagner đã thành công trong việc xuyên thủng lớp phòng thủ kiên cố của Ukraine tại Berkhovka, một trong những lá chắn kiên cố bảo vệ thị trấn Bakhmut.
Theo đó, các đơn vị quân sự Nga đã tiến vào phía Bắc Berkhovka để từng bước kiểm soát toàn bộ phía sau thị trấn Bakhmut và khống chế hoàn toàn tuyến đường liên kết Berkhovka và Dubovo-Vasilyevka đến Artemivsk.
Lính Wagner đang thể hiện vai trò quan trọng tại các chiến trường ác liệt nhất tại Ukraine. |
Một mũi tấn công khác của Nga cũng đang tiến vào Yagodnoye để bọc sườn lực lượng phòng thủ Ukraine trong thị trấn. Những phát triển trên chiến trường có được sau khi Nga giải phóng Paraskoviivka. Từ điểm cao thuận lợi này, pháo binh Nga có lợi thế hoàn toàn tấn công các vị trí phòng thủ của Ukraine tại Bakhmut.
Liên quan tới tình hình chiến sự căng thẳng tại Bakhmut, trong phát biểu mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã từ chối công bố lý do tại sao Quân đội Ukraine đã tổn thất nặng nề để bảo vệ thị trấn này: “Chúng tôi sẽ còn chiến đấu khi có thể. Mục tiêu tiếp theo của Nga sẽ là các thành phố Kramatorsk và Slavyansk, tới biên giới Donbass và tiếp sau là bên bờ sông Dnieper. Chúng tôi sẽ kháng cự và chuẩn bị cho đợt phản công sắp tới”.
Trả lời tờ Corriere della Sera của Italia, ông Volodymir Zelensky tuyên bố: “Bakhmut thực tế không có vai trò quá quan trọng giống như nhiều thực thể khác tại Donbass. Chúng tôi đang bảo vệ nó, nhưng không phải bằng bất kỳ giá nào.
Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không thấy sự “bại trận” của Nga, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh, nhà lãnh đạo Pháp đang phung phí thời gian cho những nhận định “vô ích”.
Về cơ bản, mọi tuyến đường vào Bakhmut đã nằm dưới sự khống chế của Nga và các đơn vị Wagner đang từng bước bóc vỏ lực lượng Ukraine phòng thủ. Ảnh: DefenseTalk. |
Trong khi đó, trước những đề nghị viện trợ máy bay quân sự hiện đại của Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace nói rằng dự kiến sẽ không có việc giao máy bay chiến đấu cho Ukraine nhanh chóng ít nhất là ở giai đoạn này và "gần như chắc chắn" trong 6 tháng tới. Ông thừa nhận sẽ mất nhiều thời gian trước khi bất kỳ quốc gia nào chấp nhận gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine.
"Điều này thậm chí còn đúng hơn khi nói đến các máy bay hiện đại, chẳng hạn như Eurofighter Typhoon. Loại máy bay này sẽ chỉ được gửi đến Ukraine sau khi kết thúc xung đột", ông Wallace cho biết, đồng thời nói thêm rằng đây là quan điểm đồng thuận của các đối tác phương Tây của Ukraine. Đây chắc chắn là một tin buồn đối với Tổng thống Zelensky trong khi ông này liên tục kêu gọi viện trợ vũ khí từ nước ngoài.
Eurofighter Typhoon là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư đa năng của châu Âu được thiết kế bởi một tập đoàn gồm các công ty của Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ý và được đưa vào hoạt động năm 2003.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu quốc hội Anh gửi máy bay chiến đấu cho Kiev. Cùng ngày, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak cho biết, London sẽ mở rộng sứ mệnh huấn luyện quân sự cho binh sĩ Ukraine bao gồm các phi công máy bay chiến đấu và lính thủy đánh bộ.
Tuy nhiên, ông Wallace nói rằng việc đào tạo phi công Ukraine không nhất thiết có nghĩa là Anh hoặc phương Tây sẽ nhanh chóng chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kiev, và loại khí tài mà Ukraine khao khát có thể sẽ không được chuyển giao cho đến khi "hậu xung đột".
Khi chiến sự tại Ukraine leo thang, thì Nga đang tận hưởng sự bùng nổ của giá dầu mỏ và kiếm được hàng tỷ USD từ việc bán nhiên liệu, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và hiện tượng các công ty năng lượng khổng lồ Shell và BP của Anh rút khỏi thị trường, tờ Express viết.
“Có vẻ là ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đang vững vàng chống lại áp lực trừng phạt của phương Tây bởi sản xuất khai thác của nước này phục hồi”, bài báo nhận xét.
Việc các công ty châu Âu và Mỹ ra đi đã không phải là đòn giáng vào ngành công nghiệp. Ngược lại, số lượng giếng đã tăng 7% trong năm và khối lượng khai thác dầu đã nhanh chóng trở lại chỉ số bình thường. “Nga đã có thể bảo toàn phần lớn năng lực, tài sản và công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ dầu mỏ”, các chuyên gia được tờ báo Anh phỏng vấn lưu ý.
Mùa hè năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh quan trọng, theo đó nhà điều hành dự án Sakhalin-2 - Sakhalin Energy (liên doanh giữa Gazprom, Shell, Mitsui và Mitsubishi) được thay thế bằng một pháp nhân mới của Nga còn khoản có tài sản của công ty được chuyển sang sở hữu Nhà nước.
Như ghi nhận của Financial Times, quyết định như vậy là "cú búng mũi" đối với các nhà sản xuất nhiên liệu từ các nước không thân thiện đang cố bán tài sản của họ một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng.