Chiến sự Nga-Ukraine ngày 17/11/2024: Ukraine bị cảnh báo áp lệnh trừng phạt; thời điểm đàm phán về Ukraine vẫn chưa đến
Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Ukraine bị cảnh báo áp lệnh trừng phạt
RIA Novosti đưa tin, nhà phân tích quân sự người Anh Alexander Mercouris cho biết, nếu Ukraine bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại nước này .
“Luật pháp Mỹ sẽ buộc phải áp đặt các biện pháp trừng phạt với Ukraine nếu nước này thực sự xác nhận rằng họ có chương trình vũ khí hạt nhân”, ông Mercouris nói.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục nóng. Ảnh: RIA |
Theo chuyên gia người Anh, Ukraine hiện đang đưa ra nhiều động thái chỉ rằng nếu mọi việc không được thực hiện theo cách họ muốn, họ sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân.
Trước đó, Times dẫn báo cáo do các nhà nghiên cứu Ukraine chuẩn bị cho Bộ Quốc phòng cho hay, Ukraine có thể phát triển bom hạt nhân trong vòng vài tháng nếu Mỹ giảm viện trợ quân sự cho Kiev.
Thời điểm đàm phán về Ukraine vẫn chưa đến
Đại sứ Đức tại Nga Alexander Lambsdorff nói tại cuộc phỏng vấn của tập đoàn truyền thông Funke rằng, vẫn chưa đến lúc đàm phán với Nga về một thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột Ukraine.
“Tôi không muốn bắt đầu cuộc thảo luận ở đây về việc liệu một ngày nào đó có nên có đường dây liên lạc ngừng bắn hay khu phi quân sự hay không, liệu có quan sát viên ở đó hay không. Đây đều có thể là chi tiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo”, ông Lambsdorff nói.
“Thật không may, chúng tôi vẫn chưa đạt đến mức có thể thảo luận về vấn đề này”, Đại sứ Đức cho hay. Đồng thời, theo ông, hoàn toàn rõ ràng châu Âu sẽ đóng vai trò trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Chấm dứt xung đột ở Ukraine cần có sự hợp tác
Thủ tướng Canada Justin Trudeau bình luận về cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng, hợp tác là cần thiết để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày 17/11/2024: Ukraine bị cảnh báo áp lệnh trừng phạt. Ảnh: Sputnik |
“Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu tầm quan trọng của việc chấm dứt xung đột ở Ukraine và điều đó đòi hỏi sự tham gia ở mức độ nhất định với các đồng nghiệp”, ông Trudeau nói với các phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Lima.
Ukraine sẽ làm mọi thứ để chấm dứt xung đột
Tổng thống Zelensky thừa nhận tình hình chiến trường ở miền Đông khó khăn và Nga đang có những bước tiến. Đồng thời, ông cho rằng Nga không quan tâm đến việc đồng ý một thỏa thuận hòa bình.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, luật pháp Mỹ ngăn không cho ông gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump trước lễ nhậm chức vào tháng 1 tới. Ông dự định trao đổi trực tiếp với ông Trump thay vì thông qua một cố vấn hay một đặc phái viên.
“Chúng tôi phải làm mọi thứ để cuộc chiến này kết thúc vào năm tới thông qua các biện pháp ngoại giao”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Zelensky cũng mong đợi sự hỗ trợ từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong trường hợp có các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moscow. Theo ông, “một Ukraine mạnh là nền tảng của các cuộc đàm phán”.