Chiến sự Nga-Ukraine ngày 24/1: Chiến sự diễn biến khó khăn, Kiev quyết định thay máu nhân sự quy mô lớn
Cụ thể, một loạt quyết định sa thải các nhân sự cấp cao trong chính quyền Ukraineđã được công bố trong ngày 23 và 24/1. Tổng thống Ukraine nhấn mạnh, động thái này là để tăng cường năng lực quản lý của cơ quan trung ương tại Kiev, cũng như tại các địa phương và lực lượng thực thi pháp luật quốc gia.
Trước đó, tờ báo Ukrayinska Pravda đã đăng tải thông tin, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Kyrilo Tymoshenko đã viết đơn từ chức và được thay thế bằng nhân vật theo chiều hướng cứng rắn và quân sự hơn là lãnh đạo Cơ quan Phòng thủ Kiev Alexey Kuleba. Cùng với đó, hàng loạt lãnh đạo các tỉnh Sumy, Dnepropetrovsk, Zaporozhye và Kherson đều đã bị sa thải hoặc viết đơn từ chức.
Kiev vừa sa thải một loạt nhân sự cao cấp được cho là có dính líu tới tham nhũng, trong bối cảnh chiến sự bất lợi tại miền Đông. Ảnh: Getty. |
Việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị Kiev cách chức cho thấy Ukraine đang rơi vào tình trạng khủng hoảng lãnh đạo. Điều này càng trở nên nguy hiểm khi chiến sự tại miền Đông đang chuyển biến theo hướng bất lợi. Ngoài ra, việc sa thải nhiều thành viên chính phủ được cho là có liên quan tới tham nhũng. Hôm 22/1, cảnh sát chống tham nhũng của Ukraine cho biết họ đã bắt giữ Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng nước này vì nghi ngờ nhận "lại quả" 400.000 USD cho việc nhập khẩu máy phát điện vào tháng 9/2022.
Cuộc điều tra cũng cáo buộc Bộ Quốc phòng Ukraine đã chi trả cao bất thường cho các bên cung cấp thực phẩm cho binh lính. Nhà cung cấp cho biết họ đã mắc lỗi kỹ thuật và không có khoản tiền "lại quả" nào được trao tay.
Theo Reuters, Ukraine có một lịch sử lâu dài về nạn tham nhũng và chính quyền yếu kém. Trước khi xung đột nổ ra hồi năm ngoái, chống tham nhũng đã là trọng tâm của chính quyền Zelensky, một chính trị gia mới lên nắm quyền vào năm 2019 với lời hứa sẽ làm trong sạch thể chế.
Đáng nói, vụ bê bối tham nhũng mới nhất có thể làm giảm sự nhiệt tình của phương Tây đối với Chính phủ Kiev, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang tranh cãi về việc gửi xe tăng Leopard-2 do Đức sản xuất tới chiến trường Ukraine.
Cũng do tình hình quân sự bất lợi, Ukraine đang bị cáo buộc âm thầm tổ chức tổng động viên tại vùng Transcarpathia. Theo đó, hàng trăm nhân viên tuyển quân và cảnh sát đã được điều động tới Transcarpathia.
“Họ tổ chức đăng ký, khám tuyển và gọi nghĩa vụ ở mọi nơi từ bến xe buýt, trong chợ hay trong các quán cà phê…”, nhiều người dân địa phương cho biết.
Khi lực lượng dự bị không còn, Quân đội Ukraine đang phải áp dụng những phương án cực đoan để tuyển tân binh. |
Theo nhiều nguồn tin, Ukraine đang dự định tổng động viên khoảng 10.000 binh sĩ, đủ trang bị cho 1 lữ đoàn bộ binh mới: “Tại Mukachevo, binh sĩ và cảnh sát Ukraine đã tràn vào khu chợ để tuyển chọn và đưa toàn bộ nam thanh niên đủ tiêu chuẩn lên xe buýt đi huấn luyện”.
Trước nguy cơ thiếu quân dự bị, Tổng thống Ukraine đã yêu cầu Bộ Quốc phòng nước này nhanh chóng tuyển thêm tân binh và đưa vào huấn luyện gấp rút. Tuy nhiên, ông Volodymir Zelensky không nói cụ thể quá trình tuyển chọn tân binh tổ chức ra sao, mà chỉ nhấn mạnh: “Đó là việc làm của họ và họ nên làm những điều cần thiết”.
Về tình hình chiến sự tại Ukraine, Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga(SVR) đang cáo buộc Ukraine cất giữ vũ khí do phương Tây cung cấp tại các nhà máy điện hạt nhân trên khắp đất nước. Đáp lại, quan chức Ukraine tuyên bố, thông tin trên là sai sự thật.
Tuyên bố của SVR hôm 23/1 cho biết các bệ phóng tên lửa HIMARS, tổ hợp vũ khí phòng không và đạn pháo mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đã được Kiev chuyển đến nhà máy điện hạt nhân Rivne ở tây bắc nước này.
"Lực lượng vũ trang Ukraine đang cất giữ vũ khí và đạn dược do phương Tây cung cấp bên trong các nhà máy điện hạt nhân", SVR tuyên bố và cho biết thêm rằng, việc Kiev vận chuyển vũ khí đến nhà máy điện hạt nhân Rivne đã diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 12.
Khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, những khám phá mới này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh, hiện không có kế hoạch nào cho cuộc gặp giữa người đứng đầu IAEA Rafael Grossi và Tổng thống Vladimir Putin.
Bác bỏ tuyên bố của SVR, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky cho biết đất nước của ông chưa bao giờ sử dụng các nhà máy điện hạt nhân (NPP) để cất giữ vũ khí: "Ukraine chưa bao giờ cất giữ bất kỳ loại vũ khí nào bên trong NPP. Những tuyên bố của Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga là sai sự thật. Ngược lại, Liên bang Nga đã chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và thiết lập quân đội của họ ở đó".
Ông Podolyak nói thêm rằng Ukraine vẫn "mở cửa cho các cơ quan thanh tra, bao gồm cả IAEA" và cáo buộc "những lời dối trá của Nga nhằm mục đích biện minh cho hành động khiêu khích của họ".
Nhiều nhà máy điện hạt nhân của Ukraine đã trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Các lực lượng Nga đã chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl không còn hoạt động chưa đầy 48 giờ sau khi phát động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine và cũng chiếm được quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - lớn nhất ở châu Âu - vào giai đoạn đầu cuộc chiến.
Hiện, cả Kiev và Moscow đều cáo buộc nhau nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ukraine cũng tố Nga đang sử dụng địa điểm này như một kho vũ khí trên thực tế.
IAEA đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công gần nhà máy, cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân.