Chiến thắng Thượng Đức đập tan "cánh cửa thép"
Mở toang "cánh cửa thép"
Chi khu quận lỵ Thượng Đức thuộc địa phận xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày nay, có đường chiến lược 14B chạy ngang qua, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 50 km về phía Tây Nam. Đây là khu vực có vị trí chiến lược rất lợi hại khi lưng dựa vào núi, hai bên là sông Côn và sông Vu Gia bao bọc. Vì vậy, địch xác định đây là “cánh cửa thép” bảo vệ Đà Nẵng nên xây dựng Thượng Đức trở thành một căn cứ quân sự kiên cố có hệ thống hầm ngầm bằng bê tông cốt thép và sân bay.
Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu, lãnh đạo Quân khu V đã mở chiến dịch Thượng Đức, lấy mật danh là K711.
Trong quá trình chuẩn bị chiến trường, huyện Đại Lộc đã huy động hàng nghìn dân công của các xã thuộc khu vực Thượng Đức vận chuyển hàng hóa, chuyển 13.000 kg hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến dịch; đưa đò, thuyền cho bộ đội, cán bộ sang sông tập kết đến những mục tiêu của chiến dịch.
Sáng 29/7/1974, lực lượng chủ lực của Sư đoàn 304, 324 cùng các đơn vị bộ đội tỉnh Quảng Đà, bộ đội địa phương, du kích huyện Đại Lộc đã bất ngờ nổ súng tiến công tiêu diệt địch tại chi khu quận lỵ Thượng Đức.
Sau 10 ngày đọ sức quyết liệt, đúng 8 giờ 30 phút ngày 7/8/1974, lá cờ quyết thắng đã phất phới bay trên chi khu Thượng Đức, báo hiệu quận lỵ Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng, “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài của Khu liên hợp quân sự Đà Nẵng được mở toang.
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức nằm ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nguyên Huỳnh |
Chiến thắng Thượng Đức là một trong những chiến công vang dội của quân và dân miền Nam, có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn, tạo nên những cơ sở thực tiễn vững chắc để Bộ Chính trị Trung ương Đảng xây dựng quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Sinh thời, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công khẳng định: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này. Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược Tổng tiến công và nổi dậy vào mùa Xuân lịch sử năm 1975”.
Đổi thay từng ngày
Bà Trương Thị Minh Phương – Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) cho biết, 50 năm kể từ sau chiến thắng Thượng Đức, xã Đại Lãnh đã có nhiều thay đổi đáng kể, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được đầu tư khang trang như: Đường giao thông nông thôn, trường học, y tế, thiết chế khu văn hoá thôn, nhà văn hoá xã, chợ… đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
“Diện mạo quê hương ngày càng thay da đổi thịt. Xã Đại Lãnh được công nhận xã nông thôn mới năm 2019, hiện nay địa phương đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao phấn đấu về đích vào cuối năm 2024” - bà Phương thông tin và cho biết thêm, đời sống người dân cũng ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 56 triệu/người/năm, hộ nghèo giảm còn 1,25%.
Xã Đại Lãnh "thay da đổi thịt" qua từng ngày. Ảnh: Hạ Vĩ |
Theo Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, hiện nay, trên địa bàn xã có 4 di tích lịch sử, trong đó có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia là Tượng đài chiến thắng Thượng Đức, 3 di tích lịch sử cấp tỉnh là: Chùa Hoa Yên, Gò Đình và mộ danh nhân Lương Thúc Kỳ.
Thời gian qua, UBND xã cùng các ban, ngành, đoàn thể chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ về các di tích trên địa bàn xã bằng nhiều hình thức, đặc biệt là di tích chiến thắng Thượng Đức. Địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa tại địa chỉ đỏ tượng đài chiến thắng Thượng Đức nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, sự hi sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ cho thế hệ trẻ noi theo.
“Địa phương mong muốn được các cấp ban, ngành đầu tư xây dựng di tích chiến thắng Thượng Đức quy mô hơn nữa để xứng đáng với tầm vóc của một di tích cấp quốc gia, xứng đáng với sự hi sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, để nơi đây trở thành một địa điểm tham quan di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau này”, bà Phương mong muốn.