Hiện có hàng trăm doanh nghiệp, trong đó không chỉ các doanh nghiệp cổ phần hóa cách đây 2 - 3 năm như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)…, mà nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa cách đây 5 - 8 năm như: Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)… đến nay vẫn chưa lên sàn.
Sự chậm trễ này vi phạm quy định tại Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước.
Việc các doanh nghiệp chây ỳ lên sàn gây mất niềm tin trong giới đầu tư, vì cổ phiếu họ mua xong bị “nhốt” tới 7 - 8 năm không có nơi giao dịch công khai. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư “quay lưng” với nhiều đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Việc doanh nghiệp kéo dài thời gian đưa cổ phiếu lên sàn từ năm này qua năm khác sau khi IPO, còn khiến các cổ đông gặp nhiều khó khăn trong theo dõi, nắm bắt các thông tin cập nhật về hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Điều này gây rủi ro cho khoản mục đầu tư của họ.
Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp chậm trễ lên sàn kéo dài suốt nhiều năm qua, liên tiếp gần đây Chính phủ đã có những chỉ đạo rốt ráo, quyết liệt, nhất quán nhằm buộc các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK.
Tiếp sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về 2 trường hợp cụ thể là Sabeco và Habeco phải lên sàn trong năm nay, mới đây nhất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa ký văn bản số 1768/TTg-ĐMDN yêu cầu các Bộ, UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lập danh sách các doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa, nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1/11/2016.
Với thông điệp mạnh mẽ trên, trong vòng một tháng nữa, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa sẽ phải hoàn thành báo cáo tiến độ đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP. HCM. Trong trường hợp không đưa cổ phiếu lên sàn kịp thời hạn trên, thì các bộ, UBND các tỉnh với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ phải giải trình trước Chính phủ.
Từ nay đến trước ngày 1/11 tới, giới đầu tư, nhất là cổ đông của nhiều công ty đã mỏi mòn chờ đợi doanh nghiệp lên sàn nhiều năm qua đang trông đợi sẽ có một cuộc “chạy nước rút” của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp trong việc đưa cổ phiếu lên sàn. Nếu “lệnh” buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán của Chính phủ được thực hiện nghiêm, thì không chỉ giúp doanh nghiệp trả “món nợ” tồn đọng lâu nay với các cổ đông, mà còn tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với tiến trình cổ phần, IPO đang có dấu hiệu chững lại trong những tháng đầu năm nay.