Chính sách hiệu quả góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ninh
Nhiều chính sách hiệu quả
Hiện tỉnh Quảng Ninh có hơn 40 dân tộc thiểu số, chiếm 12,31% dân số cả tỉnh. Các dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng và đan xen ở 13 địa phương trong tỉnh, chủ yếu ở miền núi, biên giới. Cả hệ thống chính trị đã nỗ lực, quyết tâm đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Từ năm 2019 đến nay, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 12 nghị quyết về cơ chế, chính sách, định mức đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành chương trình hành động và các quyết định phê duyệt đề án, chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện chương trình tổng thể, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực đất đai, giáo dục, y tế, văn hóa, lao động, dạy nghề.
Một trong những Nghị quyết nổi bật, đem lại hiệu quả thiết thực đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là Nghị quyết số 06-NQ/TU ban hành ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đây là chủ trương lớn, toàn diện để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên các lĩnh vực, triển khai thực hiện công tác dân tộc một cách quyết liệt và sáng tạo. Qua đây, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp về nguồn lực trong sự quản lý, điều hành, đặc biệt đã dành nguồn lực lớn nhất để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Bằng Cả (TP. Hạ Long) bình xét hộ vay vốn. Ảnh: Hạ An |
Từ năm 2021 đến nay, Quảng Ninh đã huy động, bố trí kinh phí trên 19.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Tỉnh đã giao các địa phương tập trung triển khai thực hiện 414 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư, trong đó có 121 dự án thuộc Chương trình tổng thể dân tộc thiểu số và 293 dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, đã góp phần thay đổi, khơi dậy ý chí tự lực, khát vọng đổi mới phát triển của bà con, tạo ra nguồn lực nội sinh làm thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Bà con các dân tộc mạnh dạn tham gia phát triển sản xuất, năng động, cần cù, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không ngại thử nghiệm các mô hình sinh kế mới, mang lại giá trị kinh tế cao tăng thu nhập.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở, các chính sách dân tộc đã được triển khai kịp thời, sáng tạo, hiệu quả. Nhiều dự án giao thông động lực, kết nối vùng động lực kinh tế với vùng khó khăn và các cửa khẩu đã được triển khai thực hiện; hạ tầng giao thông ở xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cũng được đầu tư, hoàn thiện. Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 61.410 hộ sử dụng điện lưới quốc gia, duy trì 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện.
Đến hết năm 2023, có 99,9% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 67,17% số hộ được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT trong sinh hoạt.
Thu nhập bình quân đầu người tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đến hết năm 2023 tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,3 triệu đồng/năm (tăng 29,6 triệu đồng/người so với năm 2020). Các chính sách giáo dục ưu tiên học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hiện nay, có trên 90% số người dân tộc thiểu số ở độ tuổi từ 35 trở xuống đã tốt nghiệp THCS; trên 60% tốt nghiệp THPT, giáo dục thường xuyên…
Đoàn kết, chung sức xây dựng cuộc sống mới
Với phương châm lấy người dân làm trung tâm, mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển của tỉnh, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Bằng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trước 1 năm so với kế hoạch, hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 và đã chuyển sang thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh, cao hơn mức chuẩn nghèo chung của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, quan điểm của Quảng Ninh không chỉ dừng lại ở việc lo cho đồng bào dân tộc thiểu số có cơm ăn, áo mặc, trẻ con được học hành, mà còn từng bước tạo dựng nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nền kinh tế phát triển bền vững, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống; đoàn kết yêu thương, đùm bọc nhau, gắn kết cùng cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng giữ vững quốc phòng - an ninh biên giới, quốc gia, dân tộc.
Mô hình nuôi gà thương phẩm tại huyện Đầm Hà giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Phạm Hoạch |
Theo ông Lục Thành Chung - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, các chương trình, chính sách dân tộc được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai hiệu quả, đúng đối tượng, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững hơn; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người ở các xã vùng dân tộc thiểu số tăng đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững; giá trị truyền thống văn hóa được bảo tồn, phát huy; chất lượng y tế, giáo dục, chất lượng đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Những kết quả tích cực này không chỉ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, mà còn nhân lên niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tạo động lực để đồng bào đoàn kết, phấn đấu xây dựng bản, làng ấm no, hạnh phúc.
“Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, cũng như tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần yêu nước, chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, Trưởng Ban dân tộc Lục Thành Chung nhấn mạnh.