Quyết định của Bộ Công Thương nêu rõ, áp dụng thuế CBPG và thuế CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía, phân loại theo mã HS, bao gồm: HS 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.10; 1701.99.90 và 1702.90.91, được nhập khẩu vào Việt Nam, có xuất xứ từ Thái Lan (mã Vụ việc AD13-AS01), kể từ ngày 16/6/2021.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, việc điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, cụ thể là áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam, đã được Bộ Công Thương thực hiện theo đúng các qui định của pháp luật về quản lý ngoại thương, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, dựa trên những căn cứ và bằng chứng có tính khách quan, xác thực.
Sau hơn 5 tháng điều tra (kể từ tháng 9/2020), căn cứ kết quả điều tra, đồng thời trước khi đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc, ngày 12/5/2021 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên tham vấn để lắng nghe ý kiến của tất cả các bên có liên quan. Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra vụ việc, đã xác định rằng, có tồn tại hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra (sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan), khiến ngành sản xuất ở trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế CBPG chính thức là 42,99%, thuế CTC chính thức là 4,65%. Thuế CBPG, thuế CTC là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng đối với đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Thời hạn áp dụng thuế CBPG, thuế CTC chính thức là 05 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng thuế CBPG, thuế CTC chính thức có hiệu lực (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo quyết định khác của Bộ Công Thương).
Ảnh minh họa |
Liên quan đến việc áp dụng thuế CBPG và thuế CTC có hiệu lực trở về trước, Bộ Công Thương cho biết, căn cứ kết luận điều tra cuối cùng và dữ liệu của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu hàng hóa bị điều tra, Bộ Công Thương xác định rằng, không có sự gia tăng đột biến về khối lượng, số lượng hàng hóa bị bán phá giá, được trợ cấp vào Việt Nam trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra cho đến khi áp dụng thuế CBGP và thuế CTC tạm thời. Do đó, không đủ cơ sở để áp dụng biện pháp CBPG và CTC có hiệu lực về trước theo Khoản 4, Điều 81 và Khoản 4, Điều 89, Luật Quản lý ngoại thương.
Để có cơ sở xác định xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế CBPG và thuế CTC, theo Quyết định 1578/QĐ-BCT, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, gồm: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp với qui định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai Len. Theo đó, nếu người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ nước, vùng lãnh thổ khác không phải là Vương quốc Thái Lan, thì không phải nộp thuế CBPG và thuế CTC chính thức. Nếu người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Vương quốc Thái Lan hoặc không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thì áp dụng thuế CBPG và thuế CTC chính thức như đã nêu ở trên (thuế CBPG là 42,99%, thuế CTC là 4,65%).
Bộ Công Thương cũng cho biết, trong trường hợp thuế CBPG và thuế CTC chính thức thấp hơn mức thuế CBPG và thuế CTC tạm thời (mức thuế áp dụng tạm thời khi chưa có kết luận điều tra cuối cùng và áp thuế chính thức), khoản chênh lệch về thuế này sẽ được hoàn lại.
Căn cứ vào qui định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương, Cơ quan điều tra sẽ thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Thông tin nhanh với phóng viên của Vuasanca ngay sau khi biết tin Bộ Công Thương chính thức áp dụng thuế CBPG, thuế CTC với đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, một lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: Hiệp hội Mía đường Việt Nam khá hài lòng với Quyết định 1578/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Đây là một quyết định kịp thời, sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ cho ngành mía đường Việt Nam phát triển, khi trong bối cảnh hội nhập ngành mía đường đã gặp phải thách thức rất lớn bởi sự cạnh tranh không lành mạnh của làn sóng đường nhập khẩu (chủ yếu là đường nhập khẩu từ Thái Lan) do được trợ cấp, bán phá giá, nhập lậu vào thị trường Việt Nam. So với quyết định áp thuế CBPG và thuế CTC tạm thời trước đây, thì mức thuế CBPG và thuế CTC chính thức cũng đã xóa bỏ sự chênh lệch giữa đường thô và đường tinh luyện.