Chợ chiều IPO
“Ế” 99%
Phiên đấu giá đầu tiên ghi nhận sự “ế khách” là phiên IPO của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA). Cụ thể, phiên IPO ngày 11/7 chỉ thu hút 2 nhà đầu tư cá nhân tham gia với kết quả vỏn vẹn 80.000 cổ phần được bán thành công, chiếm tỷ lệ khoảng 1% lượng chào bán, với giá trúng bình quân là 10.200 đồng/CP.
Được biết, vốn điều lệ dự kiến của Công ty sau cổ phần hóa là 350 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, tương đương 17,85 triệu cổ phần; 30% bán cho nhà đầu tư chiến lược; 3,74% bán ưu đãi cho người lao động và cổ phần bán đấu giá công khai chiếm 15,26% vốn điều lệ, tức hơn 5,3 triệu đơn vị. Theo phương án cổ phần hóa, đến năm 2018, COMA sẽ thực hiện bán tiếp phần vốn nhà nước để giảm tỷ lệ xuống còn 40% vốn điều lệ.
Trước COMA, một số phiên IPO có tỷ lệ “ế” cổ phần cao có thể kể đến như Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp - Sonadezi (99%), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Lilama (97%), Công ty TNHH MTV Cảng Cam Ranh (90%)…
Trường hợp tiếp theo ghi nhận việc cổ phần chào bán bị ế tương đối lớn với tỷ lệ trên 70% là phiên đấu giá bán cổ phần của CTCP Nhà và Thương mại Dầu khí (PV Building) do Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) sở hữu. Theo đó, ngày 12/7, BSR đã thực hiện bán đấu giá 7,97 triệu cổ phần (tương đương 45,53% vốn điều lệ PV Building) với mức giá khởi điểm 12.200 đồng/CP. Tuy nhiên, chỉ 2,3 triệu cổ phần PV Building được chào bán thành công, tương đương hơn 29% tổng lượng đấu giá. Tổng giá trị cổ phần bán được là 28,36 tỷ đồng.
Hiện tại, BSR đang nắm giữ 96,53% vốn điều lệ của PV Building và sẽ giảm xuống còn 51% sau khi thực hiện chuyển nhượng lượng cổ phiếu trên. Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR cho biết, việc giảm tỷ lệ nắm giữ PV Building xuống còn 51% là nhằm thực hiện phương án tái cơ cấu của BSR, đồng thời đưa PV Building thành công ty đại chúng và niêm yết trên TTCK Việt Nam. Với kết quả không mong muốn, BSR dự kiến thực hiện chào bán cạnh tranh hoặc thỏa thuận trực tiếp lượng cổ phiếu bị “ế” nói trên.
Đáng chú ý Vigecam
Ngoài PV Building và COMA, các phiên đấu giá còn lại trong tháng 7 gồm có IPO Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigacem), đấu giá phát hành thêm cổ phần của Tổng công ty Viglacera và các phiên thoái vốn tại CTCP Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt.
Trong số này, Vigacem là cái tên đáng chú ý nhất. Ngày 19/7 tới, hơn 6,3 triệu cổ phần của Vigacem sẽ được IPO với mức giá khởi điểm là 10.100 đồng/CP. Hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp này là xuất nhập khẩu và kinh doanh vật tư nông nghiệp như phân bón, kinh doanh chè và nông sản nội địa, cho thuê văn phòng, nhà xưởng và kho bãi, đồng thời kinh doanh máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ dự kiến của Tổng công ty đạt 220 tỷ đồng, Nhà nước sẽ thoái hết vốn. Lúc này, cơ cấu cổ đông dự kiến là cổ đông chiến lược nắm giữ 15,4 triệu cổ phần, tương đương 70% vốn điều lệ sau cổ phần hóa, cán bộ - công nhân viên mua 238.200 cổ phần, tổ chức công đoàn mua 11.220 cổ phần, còn lại 6,3 triệu cổ phần bán đấu giá công khai tại HNX.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đã đạt được những hiệu quả nhất định, tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn khá nhiều doanh nghiệp chỉ bán được lượng cổ phần thấp so với tổng khối lượng đưa ra IPO.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, tăng sức hấp dẫn của các đợt IPO, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, điều quan trọng nhất là cần hình thành cơ chế cho phép doanh nghiệp lựa chọn các đơn vị tư vấn tốt. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cổ phần hóa các doanh nghiệp phải khắt khe hơn với công ty tư vấn để nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn cho phương án cổ phần hóa.
Tính từ đầu năm đến ngày 28/6, đã cổ phần hóa 38 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, bằng 71% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của 63 doanh nghiệp, đang xác định giá trị của 77 doanh nghiệp, đã công bố giá trị của 28 doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Hà Nội thực hiện bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp khác, thu về 2.710,4 tỷ đồng, gấp trên 3 lần giá trị sổ sách là 871,6 tỷ đồng.
Riêng tại HNX, tính đến ngày 30/6, Sở này đã thực hiện đấu giá cổ phần cho 36 doanh nghiệp, với số lượng cổ phần trúng giá 290 triệu đơn vị (chiếm 83,6% số cổ phần bán đấu giá) tương ứng với giá trị bán được là 3.703 tỷ đồng, trong đó có 24 DNNN cổ phần hóa gồm một số tổng công ty lớn như Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty 36, Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam, thu về cho Nhà nước 1.745 tỷ đồng. |