" Bà bô chợ Sắt" là nhất!
Ngày xưa chợ Sắt là một chợ phiên trong địa phận làng An Biên, Hải Phòng. Có câu ca cổ: "Đầu sông cho chí ngọn nguồn /Anh về chợ Giám anh buôn gánh trầu / Chợ Sắt cất gánh buôn cau…".
Đến giữa những năm 70 của thế kỷ thứ XIX, chợ Sắt trở thành một thị trường xuất gạo lớn. Năm 1888, Hải Phòng được Pháp xây mới theo kiểu kiến trúc hiện đại bằng sắt, nền láng xi măng, xung quanh có dãy tường bao, giữa chợ có tháp nước cao để dân buôn bán thứ 7 hàng tuần lấy nước rửa chợ.
Sang thời bao cấp, chợ Sắt lần nữa được xây dựng lại toàn bộ nhân kỷ niệm 30 năm Hải Phòng giải phóng (1985). Tháp nước bị phá, bù lại, chợ không chỉ có buôn cau, buôn vải như thuở xa xưa, mà còn kinh doanh vàng bạc và đủ thứ hàng trên trời dưới biển. Đặc biệt, thứ gì "mậu dịch" không có, ra chợ Sắt có. Hàng nhập lậu từ nước ngoài theo chân thủy thủ viễn dương, hàng "móc" từ kho nhà nước, hàng "đánh" từ những đoàn xe vận tải, xà lan, tàu đẩy... trên đường hành trình - Tất cả đổ về chợ Sắt. Chợ Sắt bán hàng cho cả miền Bắc. Ai đến Hải Phòng (người Hà Nội, người Sài Gòn...) cũng muốn (hoặc được mời) đi chợ Sắt, để trầm trồ, ngắm nghía, để tiếc rẻ vì... thiếu tiền! Có kẻ ngoa ngôn còn nói: Ra chợ Sắt mua được cả... tên lửa! Nhờ có chợ Sắt, khối công trình thoát cảnh ngừng trệ vì sự quan liêu, thiếu thốn của cơ chế thời bao cấp cứng nhắc. Tuy nhiên, cũng vì chợ Sắt ối kẻ đã vào nhà đá bóc lịch. Chợ Sắt làm giàu cho người Hải Phòng. Có một chỗ ngồi kinh doanh trong chợ Sắt là có "giấy chứng nhận" về sự giàu có. Trẻ con Hải Phòng có câu hát rằng: "Đẹp giai đi bộ không bằng anh rỗ đi "doa" (xe đạp Peugeot)/ anh rỗ đi "doa" không bằng anh già đi Cup, anh già đi Cup không bằng anh cụt Vosco, anh cụt Vosco không bằng "bà bô" chợ Sắt!". Sợ chưa! Vosco - Công ty Vận tải biển Việt Nam- đi khắp năm châu bốn biển cũng không bằng "bà bô" ngồi chợ Sắt! Chợ Sắt nổi tiếng chẳng kém cạnh chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành. Chợ Sắt là niềm tự hào của người Hải Phòng như bến Cảng, như bãi biển Đồ Sơn...
Chợ Sắt xưa và nay |
Chợ Sắt sau "đời 93"
Hải Phòng vào thời mở cửa, thành phố đìu hiu vì đã chịu đựng cơn bão bao cấp quá dài. Sức dân cạn kiệt, Hải Phòng trông vào điểm tựa đầu tư nước ngoài để bẩy mình lên. Một ngày đẹp trời năm 1991, ông Giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại trịnh trọng đặt lên bàn các lãnh đạo Hải Phòng một tờ trình đóng dấu đỏ. Chợ Sắt được chọn trở thành công trình liên doanh đầu tiên của thành phố với nước ngoài. Công ty TNHH Hải Thành (liên doanh giữa Hải Phòng và Quảng Tây, Trung Quốc) ra đời. Nhiệm vụ: Xây dựng lại chợ Sắt để kinh doanh.
Với 7 triệu USD đầu tư, chợ Sắt sẽ là một chính thể kiến trúc cao 5 tầng, tổng diện tích 39.824 m2. Ông Tạ Khởi Tường - Chủ tịch HĐQT, người Trung Quốc nói: "Người Hải Phòng sẽ được thấy một cái chợ hoàn toàn không giống với quan niệm về chợ xưa nay của họ, một hình thức văn minh thương mại mới - "chợ - siêu thị". Từ chợ Sắt, hàng Trung Quốc sẽ tỏa khắp vùng đồng bằng sông Hồng".
Nhà đầu tư rất lạc quan. Một nửa chợ Sắt nhanh chóng hoàn thành vào năm 1993. Chờ khi tiền bạc chảy vào túi nhà đầu tư như họ mong đợi sẽ xây nốt nửa còn lại!
Nhưng, nỗi thất vọng đến rất nhanh. Dân tình, cả những người gốc chợ Sắt, cũng chẳng mặn mà dọn về chợ mới cửa kính, tường gương! Cả ngày và đêm, lúc nào chợ Sắt cũng vắng tanh như… chợ chiều! Vào thời điểm đó, Hải Phòng đang là cái chợ bán lẻ khổng lồ. Vỉa hè nào cũng sẵn sàng làm chợ. Góc đường nào cũng dễ dàng có chợ (chợ cóc, bé hơn chợ cóc...). Người Hải Phòng có thói quen ghếch chân lên hè là mua được đủ thứ cần dùng cho cuộc sống thường nhật: mớ rau, miếng thịt, con cá, hộp xà phòng, cái bật lửa... vừa nhanh, vừa tiện, vừa rẻ. Chợ Sắt không thể là chợ bán lẻ. Đó vừa là sự hạ cấp, vừa không phải là mục đích của những người làm chợ Sắt "đời 93".
Chợ là chiếc hàn thử biểu độc đáo để đo "sức khỏe" của nền kinh tế địa phương. Chợ Sắt có duy trì được vị thế Trung tâm bán buôn hàng vùng Duyên Hải từ ngày xa xưa hay không(?) còn tùy thuộc vào Hải Phòng có duy trì được sức mạnh kinh tế, công nghiệp, thương mại… của mình trong quá khứ với toàn bộ nền kinh tế đất nước không? Người Quảng Ninh, người Hải Dương, người Thái Bình, người thành phố Hồ Chí Minh, "đầu sông cho chí ngọn nguồn" có còn muốn đến chợ Sắt cất hàng bán buôn hay không? Nếu không, chợ Sắt "đời 93" sẽ chỉ là một cái hộp bằng bê tông hào nhoáng, đắt tiền, nhưng vô dụng. Nói bằng ngôn ngữ kinh tế, chợ Sắt bị "chết tinh thần". Các nhà đầu tư chán nản đã bỏ một nửa chợ Sắt cho đám cỏ dại, khiến cho một nửa còn lại bị người Hải Phòng gọi đùa vui là "Chiếc bánh ga tô ăn dở!"
Bây giờ thì Hải Phòng đã chấp nhận những cái chợ siêu thị hiện đại. Bi kịch của chợ Sắt "đời 93" là nó sinh ra ở thành phố này quá sớm! Trong kinh tế có thuật ngữ "Cái chết tinh thần" để chỉ các công trình, sản phẩm, tốt thì rất tốt, đẹp thì rất đẹp, thế nhưng vô dụng, vì càng dùng thì càng lỗ! Bởi lẽ bản chất sự tồn tại của chúng là để sinh lời. Chúng có số phận bi kịch là do "cha đẻ" của chúng không nắm bắt được sự đỏng đảnh của thương trường, đi ngược lại các quy luật tất yếu của thời đại, thậm chí lạc hậu trước sự phát triển như vũ bão của tiến bộ kỹ thuật…