Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Rà soát, cảnh báo đúng trọng điểm
Các vụ việc vi phạm tăng
Năm 2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 phát hiện, bắt giữ 1 container phụ kiện điện thoại Trung Quốc chứa nhiều sản phẩm giả mạo xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, sản phẩm phụ kiện điện thoại được Công ty TNHH MTV Hoàng Bảo Phát IMEX (phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn) nhập khẩu ủy thác cho một doanh nghiệp (DN) có trụ sở tại Hà Nội. Khi làm thủ tục nhập khẩu, Công ty TNHH MTV Hoàng Bảo Phát IMEX xuất trình cho cơ quan hải quan Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu E (xuất xứ Trung Quốc). Tuy nhiên, khi khám xét container, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng nghìn phụ kiện điện thoại được in sẵn trên bao bì, sản phẩm tên tuổi, địa chỉ và cả trung tâm bảo hành của Công ty Cổ phần Thương mại TITAN Việt Nam - DN trong nước chuyện kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại di động. Đáng chú ý, trên nhiều sản phẩm còn ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” và cả ký hiệu mã vạch của Việt Nam (đầu mã vạch 893).
Quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa |
Đây là một trong những vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa nổi cộm được các cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa bắt đầu gia tăng và phức tạp hơn nhiều. Nếu như trước đây, các hành vi gian lận chủ yếu nhằm vào các loại C/O ưu đãi để hưởng chênh lệch thuế, ví dụ giữa thuế theo cam kết trong FTA so với thuế tối huệ quốc (MFN). Ngày nay, trong bối cảnh các quốc gia tăng cường PVTM, gian lận chuyển sang cả loại hình C/O không ưu đãi nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM.
Các trường hợp gian lận xuất xứ thường xảy ra với những thị trường áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ như Hoa Kỳ, EU... Theo đó, quy định của các quốc gia này là DN tự kê khai và tự chịu trách nhiệm với cơ quan hải quan nước nhập khẩu. Do vậy, khi có chuyện xảy ra, cơ quan chức năng sẽ khó vào cuộc nếu không có thông tin do hải quan các nước cung cấp.
Căn cứ những vụ việc điển hình đã phát hiện liên tục thời gian qua, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) chỉ rõ, nhóm hàng vi phạm xuất xứ hàng hóa khá đa dạng, không chỉ tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà còn có cả những mặt hàng xuất khẩu kim ngạch không lớn, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam gây nên nhiều hệ lụy từ các biện pháp ngăn chặn của các nước nhập khẩu.
Phương thức vi phạm chủ yếu là các DN đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn. Bên cạnh đó, nhiều DN nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm, sau đó thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh, chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác. Đặc biệt, một số DN đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật…
Gia tăng biện pháp phòng vệ
Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách về tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ làm rất mạnh việc cảnh báo sớm đến cộng đồng DN. Trong đó, rà soát để cảnh báo đúng mặt hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm có nguy cơ rủi ro gian lận xuất xứ, không cảnh báo tràn lan, tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu. Thực tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực cảnh báo về nguy cơ gian lận xuất xứ với các mặt hàng như nông sản, gỗ dán, lốp xe… Đồng thời, tuyên truyền để DN hiểu, không tiếp tay cho hành vi gian lận; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, ngăn chặn gian lận.
Cùng với các giải pháp đang được triển khai, các chuyên gia cho rằng, mức xử phạt hành chính về gian lận xuất xứ hiện vẫn quá thấp, chỉ dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, hoặc tịch thu, tái xuất, tiêu hủy. Đặc biệt, công tác thực thi chưa hiệu quả do một số cơ quan, cá nhân ở cơ sở làm việc trong lĩnh vực này còn thiếu trách nhiệm. Do đó, cần nâng cao mức xử phạt để đủ sức răn đe.
Các DN được khuyến cáo, tránh tư duy “ăn xổi”, để một mặt không tiếp tay cho những hành vi gian lận xuất xứ; mặt khác, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, đảm bảo tiêu chí xuất xứ và tránh bị đánh thuế chống lẩn tránh. |