Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, báo chí và doanh nghiệp cùng chia sẻ thông tin, chính sách và kinh nghiệm trong lĩnh vực rác thải nhựa, rác thải đại dương; cũng như giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa rác thải nhựa ra môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Diễn đàn |
Hiện mỗi năm, Việt Nam phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn. Tuy nhiên, việc thu hồi rác thải còn rất thấp, chủ yếu vẫn bị chôn lấp và một phần trôi nổi ra biển. Trước thực trạng này, từ lâu Chính phủ đã rất quan tâm và chỉ đạo Bộ TN&MT xây dựng những đề án, kế hoạch nhằm giảm lượng rác thải nhựa.
Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước thống nhất về bảo vệ môi trường, biển và hải đảo; từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ TN&MT đã phát động nhiều phong trào chống rác thải nhựa nhằm từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, hướng tới một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, chủ đề tài nguyên môi trường luôn được cộng đồng quan tâm, đặc biệt được các cơ quan báo chí thường xuyên đăng, phát với dung lượng, thời lượng nhiều hơn, nội dung chuyên sâu hơn; đồng thời các cơ quan báo chí cũng đã thành lập, vận hành các chương trình, chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về TN&MT. Điều này đã góp phần không nhỏ trong quá trình lớn mạnh của ngành TN&MT.
Dưới góc độ tuyên truyền, báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ, đối tượng tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa là toàn xã hội, nhưng cần tập trung vào doanh nghiệp và hộ gia đình để họ chủ động giảm rác thải nhựa trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Càng lan tỏa bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nhưng cần tập trung những đối tượng để tác động mạnh mẽ hơn. Và để cuộc vận động chống rác thải nhựa đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền cần tập trung vào những chính sách của cả trung ương và địa phương đối với việc bảo vệ môi trường; trong đó có chống rác thải nhựa. Phản ánh sâu rộng sáng kiến của các địa phương trong phong trào chống rác thải nhựa.
Thừa nhận thực trạng biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương, PGS. TS Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Trong đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng Kế hoạch. Ngày 17/6/2019, Bộ TN&MT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, trong Kế hoạch Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng đã đề xuất 7 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền; ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên biển; tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương; tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Trước thực trạng rác thải nhựa trên đất liền và đại dương đang là thách thức lớn đối với Việt Nam, ông Hoàng Văn Thức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã đưa ra một số nhóm giải pháp, trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa, là giải pháp đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, là nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa. Ngoài ra, cần có sự tăng cường sự phối hợp giữa Bộ TN&MT với các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong triển khai phong trào chống rác thải nhựa. Đồng thời, tăng cường sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan thông tấn báo chí. Hơn thế, đẩy mạnh phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa, tăng cường hợp tác quốc tế; nghiên cứu ứng dụng các vật liệu mới thay thế cho việc sử dụng túi nilon.