Thu giữ hơn 1 triệu bao thuốc lá lậu
Theo ông Trịnh Văn Ngọc – Cục trưởng Cục QLTT, tình hình buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Thuốc lá nhập lậu chủ yếu qua khu vực biên giới của các tỉnh: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang,Tây Ninh, Quảng Trị sau đó vận chuyển về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố lớn để tiêu thụ. Trong đó, khu vực biên giới của tỉnh Long An là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội là địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn nhất.
Hiện nay, do mức chênh lệch giá cao giữa thuốc lá ngoại và thuốc lá sản xuất trong nước, các đối tượng buôn lậu bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu liên tục, bất kể ngày hay đêm. Đối tượng tham gia vận chuyển phần lớn là cư dân biên giới, rất thông thạo địa bàn, sử dụng các phương tiện chạy tốc cao vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần, mỗi lần thường dưới 1.500 gói, nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công Thương về tăng cường chống thuốc lá nhập lậu, đến nay lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 9.401 vụ (tăng 58 % so với số vụ kiểm tra trong 6 tháng đầu năm 2014), xử lý 4.794 vụ (tăng 35,6 % so với 06 tháng đầu năm 2014), thu giữ 1.035.327 bao thuốc lá các loại (tăng 25 % so với 6 tháng đầu năm 2014); xử phạt vi phạm hành chính hơn 16 tỷ đồng; thu giữ 16 ô tô, 358 xe máy, 7 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan công an khởi tố 14 vụ.
Ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho rằng: Kết quả kiểm tra, bắt giữ của lực lượng QLTT tăng mạnh từ khi thực hiện Chỉ thị 30 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Công Thương cũng đã tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 0,9% so với gần 1 tỷ bao thuốc lá nhập lậu hàng năm. Các hoạt động triển khai chỉ thị 30 còn thiếu đồng bộ, chưa được triển khai rộng trên phạm vi cả nước như tinh thần của chỉ thị. Nhiều bộ ngành, địa phương chậm triển khai hoặc triển khai chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức; thuốc lá lậu vẫn được nhập lậu ồ ạt và bày bán công khai trên các tủ thuốc, điểm bán lẻ, bán và mua thuốc lá lậu rất dễ dàng. Hệ quả là tình hình buôn lậu thuốc lá những tháng gần đây có dấu hiệu gia tăng trở lại. 2 tháng đầu năm 2015 số lượng thuốc lá nhập lậu là 140 triệu bao, không giảm so với cùng kỳ năm 2014. Các loại thuốc lá lậu giá rẻ dưới 5.000 đồng/bao như Elephant, Golden Deer… vẫn nhập lậu qua biên giới; thuốc Jet, Hero tiếp tục được bày bán công khai.
“Một số kết quả đạt được trong thời gian qua có ý nghĩa lớn, nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng của Chính phủ được thể hiện trong chỉ thị 30. Nếu chúng ta không đẩy mạnh hơn nữa, rất có thể những nỗ lực thời gian qua sẽ không có kết quả” – ông Cường nhấn mạnh.
Tập trung, 1uyết liệt hơn nữa
Ông Trịnh Văn Ngọc cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến công tác kiểm tra, kiểm soát còn nhiều hạn chế như: Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chặt chẽ. Thuốc lá sản xuất trong nước được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, giá thành cao do phải đóng các loại thuế, trong khi người hút thuốc chưa thay đổi được gu, lợi nhuận từ việc buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu rất lớn. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời, nhiều lúc vẫn còn mang tính cục bộ.
Để công tác chống thuốc lá lậu có hiệu quả theo chỉ đạo của chỉ thị 30, ông Ngọc chỉ đạo: Các chi cục QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh...; tăng cường phối hợp với lực lượng Công an rà soát, kiểm tra các tụ điểm, đầu nậu buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu; tăng cường công tác quản lý địa bàn, QLTT nội địa; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn lập chốt kiểm tra lưu động tại các tuyến đường thường xuyên có hoạt động vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết không kinh doanh, buôn bán thuốc lá nhập lậu nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Để Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống, ông Cường cũng kiến nghị Cục QLTT chỉ đạo các địa phương trong cả nước đồng loạt triển khai Chỉ thị 30 đồng bộ và quyết liệt hơn. Kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là việc bày, bán tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…. Địa bàn nào để xảy ra tình trạng buôn bán thuốc lá nhập lậu thì chính quyền địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm. "Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì mức 1.500 bao như hiện nay để tăng tính răn đe" - Ông Cường đề xuất.
Theo quy định của Luật PCTHTL, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng Quỹ PCTHTL với mức đóng là: 1% từ 1/5/2013; 1,5% từ 1/5/2016; 2% từ ngày 1/5/2019 (tính trên giá tính thuế TTĐB của bao thuốc). Hiện tại mỗi năm, Quỹ có khoảng 300-500 tỷ đồng, và được sử dụng toàn bộ cho các hoạt động phòng chống thuốc lá, trong khi đó Quỹ chưa được sử dụng cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế nghiên cứu cơ chế tài chính cho phép trích khoảng 50% Quỹ PCTHTL cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, vì thuốc lá nhập lậu có tác hại lớn hơn do trốn thuế, không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy hại đến sức khỏe cộng đồng.. |