Chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ
Khẩn trương thu dọn rác thải sau mưa lũ |
Đặc biệt, để tránh bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra những khuyến cáo giúp người dân chủ động phòng tránh.
Phòng tránh các bệnh truyền nhiễm
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ gồm: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... Theo đó, cần thiết phải thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, bảo đảm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Ngành y tế địa phương giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn… Đồng thời, thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ…
Tiến hành cấp phát viên khử khuẩn Cloramin B cho các xã để hỗ trợ nhân dân. Tổ chức phun hóa chất tại các điểm chôn lấp gia súc, gia cầm chết để tránh ô nhiễm môi trường. Đối với các địa phương không có đủ hóa chất để xử lý nước, chỉ có viên khử khuẩn cấp, người dân có thể xử lý theo cách làm truyền thống khá đơn giản. Đó là sử dụng các vật liệu như cát, cuội để lọc nước rồi bỏ viên khử khuẩn vào tạo ra nguồn nước tương đối an toàn.
Đặc biệt, Sở Y tế các tỉnh cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh. Bên cạnh đó, sau mưa lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật, ngành y tế tại các tỉnh miền Trung phải khẩn trương tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ; kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch.
Bảo đảm không để ô nhiễm môi trường
Các Sở Tài nguyên & Môi trường các tỉnh cần theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực có mưa, lũ, ngập lụt. Phòng, chống các hành vi lợi dụng mưa, lũ lụt xả chất thải bẩn gây ô nhiễm ra ngoài môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thường xuyên cập nhật, thu nhận thông tin phòng, tránh và khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. Đặc biệt, các tỉnh cần giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông; phối hợp trong công tác tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.
Hướng dẫn bà con khu vực bị ảnh hưởng do mưa, lũ vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường phố, thôn, xóm, thu gom bùn đất, xác động vật đưa đi xử lý; tiêu độc, khử trùng các giếng nước sinh hoạt và bể nước cấp; phun thuốc khử khuẩn, diệt côn trùng tại các trường học, chợ, khu vực bị ngập, lụt; cấp phát thuốc khử khuẩn và hướng dẫn các hộ dân thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng; san gạt, thu gom đất đá bị sạt lở trên các tuyến đường giao thông.
Các tỉnh chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; kiểm tra công trình thu gom và khu lưu trữ chất thải, kịp thời phát hiện, xử lý ô nhiễm môi trường, không để chảy tràn chất thải gây ô nhiễm môi trường vào nguồn nước; xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh trên địa bàn, bảo đảm không để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.