Thách thức mới
Cho đến nay, Việt Nam đã hoàn thành ký kết 15 FTA ở cấp độ song phương và khu vực (trong đó đang thực thi 14 FTA, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực), và đang đàm phán 2 FTA. Trong số đó, nổi bật nhất là 3 FTA thế hệ mới gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) và 1 FTA có quy mô lớn nhất thế giới trong khuôn khổ ASEAN là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Công cụ PVTM sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế |
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các vụ việc PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành. Bên cạnh đó, sự mất cân đối cán cân thương mại toàn cầu không được cải thiện, làm gia tăng mâu thuẫn về thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nước.
Trao đổi với phóng viên, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương - cho hay, với việc năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ do cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ lớn hơn bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM.
Đặc biệt, ông Chu Thắng Trung nêu cụ thể, với Liên minh châu Âu (EU) vốn là một thị trường có hệ thống pháp luật về PVTM đầy đủ và thường xuyên tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM theo yêu cầu của ngành sản xuất trong nước. “Vì vậy, bên cạnh những cơ hội xuất khẩu có được từ việc mở cửa thị trường theo EVFTA, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến thách thức từ nguy cơ bị EU tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp PVTM nếu tăng trưởng xuất khẩu quá nhanh, tạo áp lực cạnh tranh lớn đến các doanh nghiệp sản xuất nội địa của thị trường này” - ông Trung khuyến nghị.
Theo đại diện Cục PVTM, thuế PVTM là thuế nhập khẩu bổ sung. Do đó, việc bị áp thuế sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa bị áp thuế từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế khác. Hệ quả là các nhà nhập khẩu ở nước áp thuế có thể sẽ chuyển hướng nhập khẩu từ các nước không bị áp thuế khác, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sút, thị phần bị thu hẹp và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đối mặt với rủi ro có thể mất thị trường xuất khẩu.
Thậm chí, ngay cả khi vụ việc chưa dẫn đến kết luận áp thuế (mới chỉ ở giai đoạn khởi xướng điều tra), các nhà nhập khẩu có thể có tâm lý e ngại khi nhập khẩu hàng từ Việt Nam khiến cho các đơn hàng bị giảm sút. Trong trường hợp khả quan, khi bị áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế thấp, một số doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu có thể không gia tăng như kỳ vọng, hay nói cách khác, biện pháp PVTM làm kìm hãm tốc độ gia tăng xuất khẩu.
Gia tăng các biện pháp
Thời gian qua, công tác PVTM của Việt Nam được triển khai toàn diện, đạt kết quả nổi bật, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, năm 2020, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh, số lượng các vụ việc điều tra PVTM mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay với 37 vụ việc, tăng 2,3 lần so với năm 2019.
Đồng thời, trong thời gian này, Bộ Công Thương cũng đã nỗ lực xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp (kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản), duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada…
Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai công tác PVTM đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các mặt, từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, thành lập cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về PVTM đến việc ban hành một loạt chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực PVTM. Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất và người tiêu dùng trong nước.
Cục PVTM nhận định, những nỗ lực trong cảnh báo, siết chặt quản lý, giám sát đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống, qua đó giúp các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong PVTM, góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Thời gian tới, nhận thức được những khó khăn, phức tạp của môi trường thương mại toàn cầu trong tình hình mới, ông Chu Thắng Trung - cho biết, Cục PVTM đã xác định ba nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tiếp tục đẩy mạnh để bảo vệ lợi ích chính đáng cho các DN trong nước. Thứ nhất, sẽ tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, trong đó tập trung vào các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Canada, Úc, Thái Lan, Malaysia, Indoniesia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, tập trung nguồn lực cho các hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ quyền lợi của ngành sản xuất trong nước trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu. Thứ ba, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg và Nghị quyết 119/NQ-CP về tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện phòng PVTM.
Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm trên, ngoài những hoạt động chuyên môn thường xuyên, đại diện Cục PVTM cho biết thêm, Cục đã và đang triển khai nhiều hoạt động có tính chất nền tảng như xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để cảnh báo những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM; tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ các kiến thức về PVTM; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề, thương nhân khi xử lý các biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường hợp tác với các cơ quan điều tra của các nước để đảm bảo các cuộc điều tra được tiến hành một cách công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm giảm thiểu tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam.