Chủ động, quyết liệt đảm bảo cung ứng hàng hóa và an toàn sản xuất cho TP. Hồ Chí Minh
Tin hoạt động 19/06/2021 16:21
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự Lễ khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh |
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh ngày 19/6 |
Là địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 song các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu của TP. Hồ Chí Minh luôn được cam kết cung ứng đủ, kể cả khi giãn cách kéo dài. Để được như vậy, ngành Công Thương Thành phố đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh khác nhau, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Duy trì sản xuất và lưu thông hàng hóa
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết: Kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát tới nay, hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố vẫn đảm bảo an toàn.
Theo lãnh đạo của Sở Công Thương, để đảm bảo vừa chống dịch vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sở đã chủ động triển khai các giải pháp như: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng online, tránh tình trạng tập trung đông người; có phương án cho lực lượng giao hàng an toàn. Chủ động phối hợp với địa phương để nắm bắt nhu cầu hàng hóa từng khu phố, từng phường; dự trù khả năng và các phương án cung ứng phù hợp tại các khu vực thực hiện phong tỏa cục bộ để xử lý dịch bệnh.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Công Thương báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Công Thương về tình hình cung ứng, sản xuất hàng hóa |
Liên quan đến tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, gần đây việc quy định giãn cách thực hiện chống dịch tại các địa phương có ảnh hưởng tới lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm về chợ đầu mối nhưng về cơ bản nguồn cung vẫn đảm bảo, chủng loại đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu của người dân. Theo ông Tú, để chủ động tạo nguồn hàng cung ứng cho Thành phố, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương, vào ngày 17/6/2021, Sở đã tổ chức họp giao ban trực tuyến với 22 tỉnh/thành Đông - Tây Nam bộ để trao đổi thông tin hai chiều, dự báo tình hình thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương, thống nhất giải pháp hỗ trợ đảm bảo lưu thông, vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh/thành.
Mặc dù vậy, ông Vũ cho biết hiện vẫn có một số vướng mắc liên quan đến quá trình lưu thông hàng hóa, nổi cộm là quy định tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào địa bàn nhưng thời gian công nhận kết quả đó ở mỗi địa phương lại khác nhau (có nơi 24 giờ, có nơi 36 giờ nhưng có nơi là 70 giờ). Dẫn tới việc tài xế đi từ TP. Hồ Chí Minh về một số địa phương có thời gian quá quy định xét nghiệm của địa phương này nên phải quay xe về, gây mất thời gian trong vận chuyển lưu thông hàng hóa. Từ đó, ông Vũ đề xuất Bộ Công Thương có kiến nghị để các địa phương thống nhất thời gian áp dụng giấy xét nghiệm.
Các đơn vị thuộc ngành Công Thương tại TP. Hồ Chí Minh đang có sự phối kết hợp chặt chẽ để đảm bảo công tác lưu thông hàng hóa |
Bên cạnh đó, đối với việc kiểm soát giá cả, theo ông Trương Văn Ba- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố, do ảnh hưởng của dịch bệnh nhiều đối tượng đã lợi dụng để vận chuyển hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trên địa bàn. Ngoài ra, việc giãn cách diện rộng kéo dài nên nhiều hoạt động buôn bán được chuyển qua môi trường online, dẫn tới khó khăn trong kiểm tra, giám sát về chất lượng hàng hóa còn khó khăn.
Quyết liệt hơn để không đứt gãy chuỗi cung ứng
Sau khi nghe các báo cáo của Sở Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự chủ động và nỗ lực của Sở trong việc lên các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn và cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống.
Tuy vậy với những diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng đề nghị Sở cần tập trung vào 6 vấn đề chính. Thứ nhất, Sở Công Thương cần phải đi sâu nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, xem họ cần gì và có thể giúp gì. Nếu trong thẩm quyền cần giải quyết ngay, còn vượt thẩm quyền thì kiến nghị lên cấp trên tháo gỡ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Thứ hai, tăng cường các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn trong đại dịch như tinh thần của Bộ Công Thương qua các Chỉ thị 07, Chỉ thị 08/CT-BCT; Tổ chức lại các dây chuyền sản xuất hợp lý, bảo đảm giãn cách, tiêu độc khử trùng thường xuyên nơi ở và nơi vào sản xuất của người lao động; có biện pháp quản lý người lao động theo hướng ăn ở tập trung ở khu công nghiệp để tránh nhiễm dịch từ ngoài cộng đồng…
Thứ ba, có chỉ đạo hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kịch bản xử lý tình huống khi có người lao động là F0, F1, F2… để không lúng túng trong mọi tình huống.
Thứ tư, tham mưu cho thành phố có chính sách ưu tiên và phối hợp tốt với các ngành, nhất là ngành y tế để khẩn trương triển khai tiêm vaccine cho các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp chủ lực, đơn vị lưu thông phân phối.
Thứ năm, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, để tiếp tục điều chỉnh kế hoạch cung ứng hàng hóa cho người dân theo từng cấp độ, nhất là người trong khu cách ly và chú ý truyền thông để người dân yên tâm.
Thứ sáu, Sở cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho DN thành phố trên cơ sở thực tế, trúng, đúng và kịp thời.
Đối với lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý thị trường Thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên bởi những nhiệm vụ của ngành Công Thương cũng đồng thời là của ngành Quản lý thị trường; Phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát, bảo đảm lưu thông hàng hóa dịch vụ, nhất là lưu thông phân phối hàng hóa nông sản, thủy sản tới vụ, trong địa bàn, ngoài địa bàn Thành phố, thậm chí cả những vùng có dịch; đồng thời xử lý nghiêm hành vi găm hàng, nâng giá, ép giá, xử lý nghiêm hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là hàng hóa thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm khác.
Chú trọng kiểm tra xử lý trong kinh doanh các mặt hàng chiến lược như sắt thép, xăng dầu, đường, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là thép và xăng dầu; Phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương kiểm soát tình hình kinh doanh trên môi trường điện tử, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, trốn thuế; Thực hiện truyền thông thường xuyên, kịp thời, chính xác để lan tỏa thông tin đến cộng đồng.
Kênh bán lẻ đảm bảo tốt phòng tuyến lương thực, thực phẩm Cùng với các bệnh viện, hiện hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh cũng không tránh khỏi sự tấn công của dịch covid-19 do cả hai nhóm ngành này đều phải duy trì hoạt động xuyên suốt liên tục song song để bảo vệ sức khỏe và cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Trong khi một số đơn vị bán lẻ có phần lúng túng, phải kêu cứu cơ quan chức năng thì hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết đã có sự chuẩn bị tốt nên phản ứng khá linh hoạt trước sức tấn công mạnh của bệnh dịch vào hàng loạt siêu thị. Theo đó, Saigon Co.op vẫn đang vận hành trơn tru tổng cộng hơn 800 cửa hàng, siêu thị trên cả nước để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân và hàng chục ngàn suất ăn phục vụ mỗi ngày cho các khu cách ly. Riêng khu vực TP. Hồ Chí Minh, Saigon Co.op có gần 200 siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, Cheers, Finelife vẫn ngày đêm hoạt động để đảm bảo phòng tuyến lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Theo đại diện Saigon Co.op, hệ thống bán lẻ vẫn đang chủ động nguồn hàng hóa phong phú với giá tốt để cung ứng ra thị trường trong 6 tháng tới. Ngoài các chương trình khuyến mãi giảm giá cho các mặt hàng nhu yếu, các loại nông sản cũng đang được giải cứu rầm rộ tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood với giá tốt nhất thị trường hiện nay như khoai lang tím, chuối, bơ, trái vải, … Đồng thời siêu thị cũng khuyến khích khách hàng đặt hàng qua điện thoại, app, tổng đài của Saigon Co.op và các ứng dụng đối tác để đảm bảo thực hiện giãn cách một cách tốt nhất trong giai doạn cao điểm dịch bệnh như hiện nay. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).