Doanh nghiệp thép: Cần chuẩn bị nguồn lực để ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại Ngành thép trước các vụ kiện phòng vệ thương mại: Không chủ động, sẽ thua thiệt |
Gia tăng kiện phòng vệ thương mại
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Số liệu từ Cục PVTM, Bộ Công Thương cho biết, đến hết quý I/2021, đã có 203 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/ vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.
Đối với sản phẩm thép vẫn là sản phẩm thuộc đối tượng điều tra nhiều nhất, chiếm hơn 40% các vụ việc phòng vệ thương mại, tiếp theo là sản phẩm sợi (12%); sản phẩm cao su (trên 6%); máy móc thiết bị (6%) ...
Đặc biệt, năm 2020 là năm xảy ra đại dịch Covid 19, nhiều nước tiến hành phong tỏa, giãn cách diện rộng, hoạt động thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp phải tiến hành trực tuyến thay vì trực tiếp đến doanh nghiệp thẩm tra, tuy nhiên có số lượng vụ việc không những không có dấu hiệu giảm mà còn gia tăng đột biến (39 vụ việc trong đó 16 vụ việc liên quan sản phẩm thép).
Thép Việt thường xuyên bị kiện domino cùng các sản phẩm của các nước khác có xuất khẩu lớn |
Theo Cục PVTM, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu, do các nước trên thế giới đang đẩy mạnh chính sách bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất thép trong nước để nâng cao giá trị gia tang mà nền kinh tế tạo ra và có thêm việc làm cho người lao động; thép là mặt hàng đa dạng, phong phú nhiều chủng loại, tính ứng dụng rộng rãi, nên khả năng một hoặc một nhóm sản phẩm trong số hàng ngàn chủng loại sản phẩm thép trở thành đối tượng của các vụ kiện là rất cao.
Mặt khác, thép là đối tượng của nhiều vụ việc PVTM trên thế giới, nên các sản phẩm xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam có nhiều khả năng bị các nước chú ý điều tra để tránh hiện tượng lẩn tránh thuế. Ngoài ra, cùng với việc Việt Nam ký kết một loạt các FTA song phương, đa phương, thế hệ mới và mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0%, dẫn tới các nước tìm các biện pháp khác (ngoài thuế nhập khẩu) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình.
Không những thế, Cục PVTM - cho hay, hiện đang có xu hướng kiện chùm, kiện domino. Theo đó, các nước thường có xu hướng kiện nhiều nước (các nước có thị phần xuất khẩu lớn vào nước điều tra, hoặc các nước nghi ngờ có sự chuyển tải hàng hóa nhằm lẩn tránh thuế, hoặc các nước đặt trụ sở công ty mẹ-con). Việt Nam thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác có xuất khẩu thép lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ…
Đề cập đến sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam, theo Cục PVTM, hiện sản phẩm này có giá thành tương đối cạnh tranh do nhiều nguyên nhân khác nhau như chi phí nhân công rẻ, các doanh nghiệp đang dần dần tự sản xuất nguyên liệu đầu vào thép cán nóng… đe dọa lợi nhuận của doanh nghiệp nước sở tại; kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam tiếp tục tăng, sản phẩm thép của Việt Nam tiếp tục tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau, làm gia tăng nguy cơ bị khiếu kiện PVTM.
Chủ động ứng phó
Trong năm 2021, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM - cho hay, do chính sách bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ việc điều tra PVTM ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới. Điều này sẽ khiến cho các ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới, nhất là khi thực hiện các cam kết từ nhiều FTA quan trọng và có mức độ cạnh tranh khốc liệt.
Mặt khác, thuế PVTM là thuế nhập khẩu bổ sung. Do đó, việc bị áp thuế sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa bị áp thuế từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế khác.
Đáng kể, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngoài việc phải đối diện với khó khăn do số lượng vụ việc gia tăng còn đang đối diện nhiều khó khăn hơn trong việc xử lý các vụ việc PVTM bởi các vụ việc ngày càng có tính chất phức tạp hơn, các nước ngày càng đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn như yêu cầu cung cấp thông tin rất chi tiết, hạn chế thời gian trả lời bản câu hỏi, mở rộng điều tra nhiều đối tượng…
Trong bối cảnh đó, đại diện Cục PVTM - nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác kháng kiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Hiệp hội, doanh nghiệp, thậm chí là cả đối tác nhập khẩu. Chính phủ và doanh nghiệp cần đồng hành, cùng xây dựng các giải pháp để ứng phó với tình trạng nêu trên.
Cục PVTM cũng đã nêu ra một số giải pháp mấu chốt giúp Việt Nam phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các vụ kiện PVTM trong tương lai ở cả góc độ quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chủ động cung cấp thông tin để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao kiến thức, không bị động khi một vụ việc xảy ra.
Trong trường hợp có vụ kiện PVTM xảy ra, Cục PVTM khuyến nghị, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tham gia, xử lý, hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị áp dụng những thông tin bất lợi. Hơn nữa doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để được hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, Cục PVTM - khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo dõi sát thông tin, thường xuyên trao đổi với đối tác nhập khẩu, kể cả là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc.
Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao tính chuyên nghiệp hơn nữa trong hệ thống sổ sách kế toán của các doanh nghiệp, dần tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế, quản trị hệ thống sổ sách trên phần mềm quản lý hệ thống để tránh sai lệch trong số liệu, đạt hiệu quả kháng kiện cao hơn nữa.
Trong thời gian tới, đại diện Cục PVTM - cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối các Bộ ngành và Hiệp hội liên quan, trong đó có Hiệp hội Thép để thực hiện nhiệm vụ kháng kiện, tiến hành trao đổi song phương với các cơ quan cùng cấp tại các nước nhập khẩu, yêu cầu các quốc gia tuân thủ quy định của WTO cũng như các điều khoản ký kết trong các Hiệp định FTA khi áp dụng các biện pháp PVTM để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam ứng phó kịp thời với các vụ kiện PVTM do nước ngoài khởi xướng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp trong nước.
Bộ Công Thương đang xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi thông tin, cập nhật số liệu nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu có giải pháp phòng ngừa vụ việc. Theo đó, công tác phối hợp giữa các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước, kể cả hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài, với hiệp hội, ngành hàng cũng sẽ được đẩy mạnh. |