Về phát triển kinh tế (đối với lĩnh vực nông nghiệp), theo tôi cần coi nông nghiệp là một ngành kinh tế mũi nhọn, đặt mục tiêu chính cho ngành nông nghiệp là sản xuất ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm sản xuất bảo đảm đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mà các nước tiên tiến đang áp dụng. Sản xuất nông nghiệp phải bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng tới đời sống của cộng đồng. Đồng thời, coi trọng và có chính sách hỗ trợ thích đáng cho doanh nghiệp nông nghiệp để hướng tới mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để xây dựng chuỗi là hết sức quan trọng để hội nhập quốc tế thành công.
Với lĩnh vực chăn nuôi, cần tập trung việc quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng, phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư gắn với việc bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm để tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, những trang trại có năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng, gia tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, ổn định giá thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Mặt khác, cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng phát triển chăn nuôi tự phát (khi cung thấp hơn cầu, giá cả biến động tăng thì người dân ồ ạt đầu tư vào chăn nuôi, khi cung vượt cầu, giá cả giảm, thua lỗ thì đồng loạt phá đàn). Đặc biệt, cần phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ bảo đảm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, giá thành sản xuất còn cao là do ngành chăn nuôi trong nước còn nhỏ lẻ, phương thức chăn nuôi chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, truyền thống, đầu tư chăn nuôi sơ sài... Do vậy, nếu được đầu tư ứng dụng công nghệ cao và nhập giống chất lượng thì năng suất chăn nuôi sẽ cao.
Trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần này có nêu: "Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân".
Để làm được điều này, theo tôi cần trang bị cho người chăn nuôi những kiến thức cơ bản khi hội nhập. Nhà nước sớm có chính sách xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho chăn nuôi công nghệ cao; tổ chức lại việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng đầu tư vào chăn nuôi phải lập dự án và có phương án liên kết tiêu thụ sản phẩm, có cam kết của các đối tác hợp tác liên kết từ đầu vào chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm điều kiện về xử lý môi trường trong chăn nuôi không ảnh hưởng đến cộng đồng thì mới được phê duyệt dự án đầu tư. Cùng với đó là tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen dùng thịt nóng sang sử dụng thịt mát, thịt cấp đông văn minh như các nước phát triển hiện nay để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vấn đề xây dựng nông thôn mới: Trong những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra những bước tiến đáng kể trong xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, phát triển kinh tế… song hệ thống dịch vụ thương mại chưa khai thác được tiềm năng lợi thế như việc phát triển các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại thành điểm dừng chân mua sắm. Mặt khác, hiện nay tại các làng xã trên trục đường giao thông đã xuất hiện các cửa hàng bán thực phẩm văn minh có thiết bị bảo quản, bảo đảm mỹ quan, đây là xu hướng cần khuyến khích phát triển.
Trong dự thảo Văn kiện có nêu: "Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn, tăng cường kết nối nông thôn - đô thị, phối hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Xác định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong nông nghiệp, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước; phát triển HTX kiểu mới; hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ". Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng với hy vọng sẽ tạo cơ sở để nền nông nghiệp của Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng kinh tế quốc tế, đồng thời nâng cao đời sống người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tạ Văn Tường Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội