Chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu vào EU
Tiềm năng thị trường lớn
Tại Hội thảo quốc tế về “Các quy định đối với xuất khẩu gạo vào thị trường Liên minh châu Âu (EU)”, diễn ra ngày 4/11, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)- cho biết, 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt trên 5,35 triệu tấn với giá trị 2,64 tỷ USD, tăng 9,7% về giá trị so với cùng kỳ. Trong đó, các giống gạo nằm trong danh mục gạo thơm được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang thị trường EU chiếm 43 - 46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm (khoảng 3 triệu tấn).
Gạo Việt cần quảng bá thương hiệu tại EU nhiều hơn |
Theo đánh giá của Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đi châu Âu đạt trên 10,05 triệu USD, tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, so với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 Thái Lan, 1/10 Myanmar, 1/4 Campuchia.
Dẫn chứng tại thị trường Bulgaria, ông Daniel Dobrev - Tham tán kinh tế và Thương mại Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam cho hay, Bulgaria là quốc gia nhập khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Tuy vậy lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Bulgaria vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do ngành gạo vẫn còn những hạn chế. Để cải thiện điều này, Việt Nam cần phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị Châu Âu như: bánh cuốn, gạo lứt, cơm đóng hộp… Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần thông tin thêm về hạn ngạch và số lượng hạn ngạch được sử dụng trong đó.
Ông Daniel Dobrev cũng kỳ vọng, thông qua EVFTA, các công ty của Bulgaria sẽ nhập khẩu khoảng 2.000 tấn gạo từ Việt Nam.
Trong khi đó, ông Piotr Harasimowicz - Trưởng văn phòng đại diện, văn phòng đầu tư thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị rằng, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ tập trung vào khâu marketing, đóng gói nhãn mác, phát triển thương hiệu. Bởi thực tế, thị trường Ba Lan hay EU đều rất cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan, Campuchia, Myanmar và từ các khu vực khác.
Nhiều tín hiệu tốt
Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cơ hội rất tốt cho ngành lương thực Việt Nam. Mặc dù sản lượng xuất khẩu rất nhỏ, đặc biệt là đối với gạo thơm - một mặt hàng rất khó vào thị trường EU, song từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10 đã có 10 doanh nghiệp nộp hồ sơ với số lượng là 5.932 tấn, trong đó, một số lô hàng đã được cấp giấy và đưa vào thị trường. Điều này cho thấy, gạo thơm của Việt Nam đã đủ các điều kiện để vào thị trường này. Kỳ vọng xuất khẩu gạo thơm sang EU trong thời gian tới sẽ lạc quan hơn vì đây là cơ hội rất lớn để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường này về giá và chất lượng.
Tuy nhiên để chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tự xây dựng vị thế riêng để có thể nắm bắt và thực tiễn hóa cơ hội này.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông Đỗ Hà Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tốt. Dự báo mức giá trong thời gian tới sẽ khá tốt. Nhu cầu thị trường lớn, do đó mặt hàng lúa gạo vẫn có lợi thế về giá. “Chưa bao giờ chúng ta thấy rằng lúa tươi tại ruộng lên tới 6.000 đồng/kg. Khi lúa Thu Đông có giá tốt như vậy thì Đông Xuân chắc chắn bà con sẽ trồng nhiều hơn, và chúng ta sẽ có nhiều lợi thế hơn”, ông Đỗ Hà Nam nói thêm.