Chưa đề nghị nhập khẩu đường
- Theo Hiệp hội Mía đường, trong thời gian qua ngành mía đường gặp nhiều biến động, trong khi tất cả các mặt hàng có xu hướng tăng, thì mặt hàng đường từ cuối tháng 2 đến nay có xu hướng giảm do tác động của nhiều yếu tố, gây khó khăn cho ngành mía đường.
Từ đầu vụ, các DN thành viên trong hiệp hội đã tổ chức thu mua mía của nông dân với giá tốt. Tuy nhiên, các DN sản xuất không bán được hàng khiến lượng tồn kho rất lớn. Trong khi đó việc chịu áp lực về lãi suất khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó và sản xuất cầm chừng. Hiệp hội đã có kiến nghị với Bộ Công Thương giãn tiến độ nhập khẩu đường.
Hiện nay, thị trường đường tiếp tục "ấm" lên, tuy nhiên có một số biến động: giá bán đường tại một số tỉnh biên giới của Trung Quốc giáp Việt Nam cao hơn giá đường trong nước đã hấp dẫn một số DN Việt Nam đẩy mạnh bán đường sang đây. Chính điều này đã đẩy giá đường tại một số tỉnh ở Trung Quốc lên cao, có lúc lên tới 20.000đ/1kg.
Để hạn chế tình trạng trên, Hiệp hội Mía đường đã khuyến cáo các DN: Nếu còn lượng đường tồn đọng và bán ra thì bán ở mức đều dặn với mức giá 18.000 đ/kg và hạn chế tiêu thụ sang Trung Quốc,để bình ổn giá đường trong nước. Đồng thời hiệp hội cũng đề nghị các nhà máy sản xuất không nên găm hàng. Trong trường hợp nếu giá biến động và tăng giá quá mức sẽ đề nghị Bộ Công Thương cho nhập khẩu đường.
Hiệp hội Mía đường khẳng định: Lượng đường tồn kho hiện nay đủ đảm bảo cung cấp cho thị trường, nhưng không kiểm soát đường nhập lậu cũng như lượng xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN& PTNT cần có chích sách kiểm soát tốt vấn đề này.
Hà Nguyễn