Chứng khoán năm 2016: Tiếp tục thực thi giải pháp nâng hạng
Ngành chứng khoán đã đặt ra 4 mục tiêu cơ bản cần thực hiện trong năm 2016 |
Định hướng trên đặt ra trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường tài chính quốc tế trong năm 2015 và dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường tài chính toàn cầu năm 2015 có nhiều biến động và đối mặt với nhiều cú sốc như: Sự suy giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc, sự phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ và đồng tiền các nước mới nổi (đồng tiền Trung Quốc giảm 4,5%, Hàn Quốc giảm 10,4%, Malaysia 27,2%).
Bên cạnh đó, các nước lớn đang tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ khác biệt, trong khi các ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đều có xu hướng mở rộng chính sách tiền tệ trong tương lai gần, thì Mỹ và Anh lại có xu hướng thắt chặt tiền tệ. Cụ thể, tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ từ quý II và đã chính thức tăng lãi suất lên 0,25% khi thị trường lao động đã được cải thiện đáng kể và kinh tế Mỹ đã tích cực hơn. Dòng tiền đang có xu hướng rút ra khỏi thị trường các nước mới nổi, số vốn rút khỏi 30 nền kinh tế mới nổi năm 2015 là 540 tỷ USD (gấp nhiều lần so với số vốn rót vào những nền kinh tế này là 32 tỷ USD).
Trong bối cảnh đó, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới sụt giảm so với cuối năm 2014 như Mỹ giảm 2,23%, Anh giảm 4,9%, Hồng Kông giảm 7,2%, Australia giảm 6%, Ấn Độ và Malaysia giảm 5%, Indonesia, Thái Lan giảm 15%. Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index vẫn trụ vững và đứng ở mức 579,03 điểm (tăng 6,1%), chỉ số HNX đứng ở mức 79,96 điểm, giảm 3,6% so với cuối năm 2014. Tuy nhiên, những khó khăn chung của tài chính quốc tế vẫn đang tiếp tục tác động mạnh mẽ đến thị trường trong nước trong năm 2016.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, bối cảnh thị trường năm 2016 khó khăn như vậy, các nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. “Chúng ta phải thật cố gắng cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường, phát triển chứng khoán phái sinh, triệt để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp phải tiến hành niêm yết, phải có chế tài với những đơn vị trốn tránh”, ông Hà nói.
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán năm 2016 không phải không có những yếu tố thuận lớn. Trong báo cáo về triển vọng kinh tế mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 và 2016 sẽ vượt mức kỳ vọng, nâng mức dự báo tăng trưởng GDP lên mức 6,6% trong năm 2016. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội cho nước ta, nhất là về mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, giá dầu giảm cũng giúp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy, so với cùng kỳ năm 2014, tổng doanh thu tăng 5,9%, tổng lợi nhuận sau thuế tăng 17,5%.
Trước bối cảnh hiện nay, ngành chứng khoán đặt ra 4 mục tiêu cơ bản trong năm 2016. Đó là bảo đảm duy trì sự ổn định thị trường, kiên trì công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, triển khai các sản phẩm mới và vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thực thi các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán.