Chứng khoán Việt Nam đã huy động hơn 2 triệu tỷ đồng cho sản xuất, kinh doanh
|
Thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập ngày 28/11/1996, mở đầu cho sự khai sinh của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Trải qua 20 năm phát triển, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong việc xây dựng, vận hành và quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam không ngừng phát triển.
Ngành chứng khoán đã đi đầu cả nước trong việc thiết lập các chuẩn mực mới về công tác quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp từ những năm đầu thành lập thị trường chứng khoán; đồng thời không ngừng hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế tại các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng; trở thành hình mẫu mở rộng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác.
Ngành chứng khoán nhanh chóng hội nhập quốc tế, đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ của IOSCO năm 2013. Mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, góp phần gia tăng khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư, giúp giảm chi phí huy động vốn trên thị trường quốc tế. Thị trường chứng khoán của Việt Nam ngày càng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt, thông qua thị trường chứng khoán, đã huy động được trên 2 triệu tỷ đồng để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Riêng trong giai đoạn 2011 đến nay, quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, gấp 4,75 lần so với giai đoạn 2005 - 2010, đóng góp 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, thị trường trái phiếu có tốc độ tăng trưởng bình quân 31%/năm, được đánh giá là có mức tăng trưởng dẫn đầu nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và ASEAN+3 và ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ.
Tại lễ kỷ niệm, ghi nhận những nỗ lực phát triển không ngừng của ngành Chứng khoán Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến một số nhiệm vụ trọng tâm ngành Chứng khoán cần tập trung thực hiện. Thứ nhất, đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Thứ hai, phát triển TTCK bền vững, cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ, tăng quy mô và chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực, chất lượng các chủ thể tham gia thị trường. Thứ ba, phát triển TTCK bảo đảm tính công khai, minh bạch trên các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty tốt nhất. Thứ tư, phát triển TTCK gắn kết với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị, công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp. Thứ năm, phát triển TTCK phải gắn kết với việc phát triển thị trường tiền tệ, thị trường bảo hiểm nhằm tạo ra một thị trường tài chính thống nhất, toàn diện, đồng bộ. Thứ sáu, tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các trung tâm chứng khoán khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp làm tốt quá trình bán vốn doanh nghiệp nhà nước trên sàn chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, chống thất thoát tài sản nhà nước.