Kết quả kinh doanh của 687 DN niêm yết 6 tháng đầu năm nay cho thấy sự chuyển động tích cực, khi số lượng DN báo lỗ ít hơn và tổng lợi nhuận của khối DN này có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, với tỷ lệ tăng trưởng cao hơn con số đạt được trong quý I. Tuy nhiên, ở mặt bằng giá mới, mức độ “rẻ” của TTCK Việt Nam dường như không còn khoảng cách so với nhiều TTCK như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…
Khối doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng lợi nhuận 1,6%
Quý I/2016, toàn TTCK có 90 DN niêm yết báo lỗ thì sang quý II, tình hình có vẻ sáng hơn khi trong 687 DN niêm yết đã công bố báo cáo tài chính, mới có 69 DN niêm yết báo lỗ. Cùng với đó, quý I/2016, tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết đạt gần 1%, nhưng 6 tháng đầu năm, tăng trưởng lợi nhuận đạt 1,6% (khi loại KDC ra khỏi bảng tính do 6 tháng đầu năm 2015, DN này có lãi đột biến 5.041 tỷ đồng). Kết quả này cho thấy, khối DN niêm yết đang có bước cải thiện hiệu quả rõ rệt và đây là yếu tố nền tảng để hỗ trợ cho sự vững tiến của TTCK.
Nửa đầu năm 2016, 20 DN niêm yết có lợi nhuận cao nhất theo số tuyệt đối dao động từ 500 tỷ đồng (SSI) đến gần 6.000 tỷ đồng (VNM), trong khi 20 DN thua lỗ lớn nhất có mức lỗ dao động từ 30 tỷ đồng (PVV) đến 1.100 tỷ đồng (TTF).
Nhìn sâu vào hiện trạng các DN, CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết, 6 tháng đầu năm, có 3 khối DN bị suy giảm lợi nhuận nặng trên TTCK. Cụ thể, nhóm ngành điện, nước, xăng dầu, khí đốt giảm 40,5% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Khối DN thuộc nhóm ngành thực phẩm, đồ uống cũng giảm 26,5% lợi nhuận.
Nhóm DN dầu khí là khối bị suy giảm lợi nhuận lớn nhất, lên tới 65,3% do ảnh hưởng của giá dầu chưa hồi phục. Ba DN lớn nhất trong ngành này đều có kết quả kinh doanh ảm đạm với PVD giảm 92,5%, GAS giảm 42% và PVS giảm đến 23%.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngành tài nguyên dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay, với mức tăng 66,6% so với cùng kỳ. Nhóm DN ngành thép có kết quả rất tích cực, đã góp phần không nhỏ cho bước cải thiện hiệu quả chung của các DN niêm yết 6 tháng đầu năm nay.
Trên TTCK, giao dịch toàn thị trường sôi động hơn trong tháng 7, khi VN-Index lần đầu tiên vượt ngưỡng 640 điểm, với thanh khoản đạt trung bình 3.500 tỷ đồng/phiên. Sang tháng 8, TTCK trải qua nhiều phiên thăng, giáng khá mạnh bởi nhiều yếu tố khách quan tác động, nhưng với kết quả chung của khối DN niêm yết có sự cải thiện, TTCK có điểm tựa để tự tin khởi sắc.
Doanh nghiệp Việt Nam không còn quá rẻ
Báo cáo chiến lược của CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá, đà tăng 6 tháng đầu năm trên TTCK Việt Nam không phải là hiện tượng bong bóng và mức tăng P/E của VN-Index phù hợp với xu hướng chung trong khu vực. Công ty này cho rằng, các TTCK ASEAN có vẻ đang di chuyển cùng chiều và xu hướng hiện tại có thể nâng thị trường vượt giá trị hợp lý. Tuy nhiên, VCSC cũng cho rằng, các chỉ số định giá đã bắt đầu tỏ ra khá cao.
Theo phân tích của CTCK SSI, tại mức giá hiện hành, chỉ số P/E bình quân của TTCK Việt Nam là 14,8 lần, trong khi chỉ số này tại TTCK Malaysia là 15,8 lần, tại Mỹ là 16,5 lần và tại Thái Lan cũng là 16,5 lần. Cá biệt, P/E của Việt Nam còn cao hơn TTCK Trung Quốc (14,7 lần) trong khi tại thị trường Nhật, chỉ số này cũng chỉ ở mức 19,5 lần và tại châu Âu là 20,7 lần.
Độ “rẻ” của TTCK Việt Nam không còn cách biệt lớn so với TTCK nhiều quốc gia khác cho thấy, để thu hút được dòng vốn ngoại - dòng vốn có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sôi động và khởi sắc của thị trường, đòi hỏi Việt Nam phải có các sản phẩm đủ sức cạnh tranh.
Hiện tại, ngoài sản phẩm cơ bản là cổ phiếu, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đang trong quá trình xây dựng TTCK phái sinh, dự kiến sẽ đưa vào vận hành từ đầu năm 2017. Sở GDCK TP. HCM (HOSE), như chia sẻ của ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực, sẽ tập trung phát triển sản phẩm chứng quyền và cùng với HNX xây dựng chỉ số chứng khoán chung phản ánh toàn TTCK Việt Nam. Công việc trọng tâm của HOSE sẽ là tăng quy mô, độ sâu và tính thanh khoản của TTCK, với mục tiêu phấn đấu đưa HOSE nằm trong TOP 5 TTCK khu vực ASEAN.