Chung sức phát triển sản phẩm phục vụ du lịch
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị |
Tham dự hội nghị có Thứ Trưởng Bộ Công Thương - Cao Quốc Hưng, ông Jung Young Bin - Chủ tịch KIDP và hơn 30 đại biểu đại diện cho các tổ chức xúc tiến thiết kế và xúc tiến thương mại thuộc các nước châu Á như: Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Indonesia và khoảng 200 đại biểu đến từ các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng: Ngành thiết kế nói riêng và công nghiệp sáng tạo nói chung của Việt Nam còn nhiều hạn chế, đi sau nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tuy có chất lượng tốt nhưng giá trị thu được chưa cao, một phần là do chưa có sự đầu tư thích đáng cho khâu thiết kế sáng tạo. Chính vì vậy, Việt Nam đang rất tích cực tham gia các chương trình hợp tác, giao lưu trong lĩnh vực thiết kế, đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy ngành thiết kế công nghiệp Việt Nam phát triển.
Với chủ đề “Thiết kế sáng tạo: Nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ du lịch”, tại hội nghị, các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém trong hiện trạng phát triển của loại sản phẩm này. Theo ông Đặng Kông Ngoãn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam, sản phẩm phục vụ du lịch của Việt Nam nghèo nàn, thiếu đặc trưng riêng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Thiết kế sản phẩm chưa phù hợp với thẩm mỹ của khách hàng, sản phẩm không mang thông điệp của điểm đến… Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là chưa được đầu tư đúng mức cả về chất xám và tài chính. Thói quen sao chép, dựa vào mẫu mã có sẵn khiến sản phẩm không đáp ứng được hai tiêu chí cơ bản là tính độc đáo và gọn nhẹ. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa nhà sản xuất - thương mại và dịch vụ du lịch lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ và hỗ trợ trong việc nắm bắt nhu cầu và sở thích của khách du lịch cũng khiến sản phẩm phục vụ du lịch lạc hậu.
Ông Vũ Hy Thiều - Chuyên gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ cũng cho rằng: Sản phẩm thủ công phục vụ du lịch hiện khá lạc hậu, có những mẫu mã được giữ nguyên 10, 20 năm; công năng sử dụng kém; quá lệ thuộc vào truyền thống; sử dụng tùy tiện vật liệu mới, công nghệ mới. Đặc biệt, tình trạng sao chép mẫu mã khiến sản phẩm không có nét riêng, không kích thích được khách du lịch mua sắm…
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tự thiết kế bên lề hội nghị |
Trả lời phóng viên Vuasanca , bà Kim Anh - phụ trách phát triển kinh doanh - Công ty Nội thất Bắc Âu cho hay: Tình trạng sao chép mẫu mã trong ngành sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch diễn ra thường xuyên. Bắc Âu cũng đã từng bị nhái thiết kế, gây thiệt hại cả về kinh tế và uy tín. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc nắm giữ những bí quyết về sản xuất, Bắc Âu đầu tư mạnh cho chất lượng, sản phẩm được sản xuất thủ công nhưng theo quy trình nghiêm ngặt. Công ty cũng thực hiện những chiến dịch quảng bá sản phẩm để tạo hình ảnh và xây dựng thương hiệu.
Mạnh tay đầu tư cho thiết kế, chất lượng sản phẩm là giải pháp giúp Công ty Nội thất Bắc Âu ngày một chắc chân trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự nỗ lực của riêng doanh nghiệp là không đủ, còn cần sự hỗ trợ của Nhà nước về công tác đào tạo đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp; liên kết giữa nhà sản xuất - thương mại - dịch vụ du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế của mỗi ngành nghề; thực hiện nghiêm chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… nhằm đưa sản phẩm phục vụ du lịch hướng tới mục tiêu đa dạng, khác biệt, giá trị cao.
Cục XTTM và KIDP ký Biên bản ghi nhớ |
Tại hội nghị, Cục XTTM và KIDP đã ký Biên bản ghi nhớ về việc mở rộng hợp tác, hỗ trợ ngành thiết kế công nghiệp Việt Nam. Theo đó, KIDP sẽ hỗ trợ Cục XTTM thành lập và vận hành Trung tâm Thiết kế vào năm 2017 nhằm cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn thiết kế giúp doanh nghiệp đổi mới và nâng cao giá trị cho sản phẩm.