CôngThương - Còn với giới đầu tư và kinh doanh tiền tệ thì từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, “Kiên tóc bạc” đã từng nổi danh khi là thành viên sáng lập của Ngân hàng ACB và là Phó chủ tịch của ACB.
Ngay ngày đầu tiên khi nghe tin “bầu Kiên” bị bắt, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư. Sắc đỏ phủ kín bảng điện tử. Không chỉ những cổ phiếu có liên quan tới ông Kiên như ACB, EIB bị bán mạnh mà sự bán tháo đã diễn ra trên toàn thị trường. Chỉ số VN- Index giảm 4,67% còn HNX- Index giảm 5,24%. Tổng cộng có 380 cổ phiếu bị giảm sàn. Và cũng chỉ trong một ngày, tài sản của gia đình “bầu Kiên” đã bị “bốc hơi” trên 160 tỷ đồng do giá cổ phiếu giảm.
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao một thị trường có lượng vốn hóa 740.000 tỷ đồng (sàn HoSE hiện vào khoảng 642.000 tỷ đồng và sàn HNX là 98.000 tỷ đồng) lại phụ thuộc vào chưa đến 2.000 tỷ đồng của gia đình “bầu Kiên”?
Ngẫm kỹ ra, chuyện “bầu Kiên” chẳng đáng ầm ĩ đến như thế nếu như không có kèm thêm những tin đồn không được kiểm chứng.
Có nguồn thông tin rằng “bầu Kiên” rất có uy trong thế lực tài phiệt ngân hàng hiện nay. Tuy không ghi danh cổ đông lớn ở ngân hàng nào, nhưng ông ta từng tuyên bố có thể “trảm tướng” bất cứ lúc nào, nếu muốn.
Tin khác cho hay, ngoài hai lĩnh vực chủ chốt là ngân hàng và bóng đá, “bầu Kiên” còn tham gia vào ngành bất động sản, khách sạn, du lịch, dệt may, dịch vụ... Tại các lĩnh vực này, hầu như không bao giờ “bầu Kiên” ra mặt chính thức nhưng ảnh hưởng ngầm rất lớn.
Lại có những thông tin cho rằng quan hệ của “bầu Kiên“ rất rộng, không chỉ bó gọn trong lĩnh vực kinh tế, nên sẽ có nhiều chấn động lớn một khi các đường dây làm ăn bất chính bị phanh phui…
Thì ra mọi sự ầm ĩ ấy chỉ bắt nguồn từ việc thiếu minh bạch trong thông tin mà thôi!