Sáng nay 22/11, Vuasanca đã tổ chức Tọa đàm “Thương mại điện tử - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số”. Tọa đàm có sự tham dự của các ông: Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số); Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam; Trần Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, kiêm Giám đốc Điều hành kênh Thương mại điện tử E2E (thuộc Tập đoàn KIDO).
Sáng nay 22/11, Vuasanca đã tổ chức Tọa đàm “Thương mại điện tử - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số”. |
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Đức Anh đã chia sẻ về chương trình “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday”. Chương trình được tổ chức thường niên từ năm 2014, đến nay đã trải qua 10 năm, đạt được một số mục tiêu đề ra.
Thông điệp của chương trình là sẽ trở thành ngày hoạt động sự kiện hàng năm, để những người làm thương mại điện tử, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị cung cấp hạ tầng cùng ngồi lại với nhau để xây dựng những kế hoạch, chiến lược phát triển thương mại điện tử. Đồng thời đem đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm hấp dẫn.
Mục tiêu tiếp theo là tạo ra nền tảng kết nối các doanh nghiệp với nhau. Trong đó, kết nối doanh nghiệp sản xuất với đơn vị hạ tầng, kết nối nhà bán hàng với người tiêu dùng..., tạo môi trường để các doanh nghiệp kinh doanh. Ngoài ra, chương trình cũng đặt ra những mục tiêu thúc đẩy thương hiệu sản phẩm Việt.
Năm nay, Online Friday sẽ có 60 giờ mua sắm rộn ràng với lễ hội voucher, nhiều doanh nghiệp tung ra chương trình khuyến mại giá trị để khách hàng sử dụng trong hoạt động mua sắm; sẽ có lễ hội quy tụ trên 50 thương hiệu, tại 36 Lý Thái Tổ với kỳ vọng kết nối liên minh xây dựng và bảo vệ hàng Việt.
Với vai trò là đơn vị đồng hành cùng Online Friday, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết, năm nay, trên TikTok, dự kiến có 500 phiên livestream, với 3.000 doanh nghiệp tham gia và kỳ vọng có khoảng triệu đơn hàng đến từ các phiên livestream.
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số). |
Hành trình hơn 10 năm chương trình Online Friday đã góp phần thúc đẩy sự bứt phá không ngừng của thương mại điện tử Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.
Khó khăn cốt lõi của hàng Việt trên môi trường điện tử
Xu thế phát triển thương mại điện tử là không thể thay đổi. Song, khi thương mại điện tử phát triển, bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa Việt Nam buộc phải đổi mới. Đánh giá thực trạng hàng Việt Nam trên sàn thương mại điện tử hiện nay, ông Nguyễn Lâm Thanh đưa ra dẫn chứng chi tiết, thời gian gần đây, số cửa hàng bán thời trang theo phương thức truyền thống không xuất hiện nhiều nữa, tiểu thương bán hàng tại các chợ cũng khó khăn. Một số nhãn hàng nổi tiếng của Việt Nam không kịp cập nhật công nghệ, xu hướng thương mại điện tử nên đã gặp nhiều khó khăn.
Hàng Việt Nam tuy có tính chất, đặc thù riêng nhưng do quy mô của doanh nghiệp sản xuất rất nhỏ so với toàn cầu nên khó có đủ nguồn lực để theo kịp. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa nhìn thấy rủi ro trong việc không hòa mình vào cuộc chuyển đổi số. Nếu doanh nghiệp bỏ qua chuyển đổi số sẽ tụt hậu, người tiêu dùng sẽ bỏ đi.
Còn ông Trần Quốc Bảo - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO - cho rằng, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 khó khăn cốt lõi khi tham gia thị trường thương mại điện tử.
Thứ nhất, vấn đề về công nghệ. Thương mại điện tử là chuyển đổi số của ngành bán lẻ và phân phối, đều liên quan đến công nghệ. Tuy nhiên, mức độ thích nghi của doanh nghiệp còn khá hạn chế.
Thứ hai, về sự kiên trì. Bản thân KIDO cũng đã có 3 tháng đầu tiên rất thất vọng và lo lắng, nhưng với mức độ kiên trì, đã vượt qua.
Thứ ba, hàng Việt Nam cần xây dựng chỉ dấu nhận biết từ cơ quan nhà nước để vươn mình ra thế giới. Trước đây, thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao là chỉ dấu đưa hàng Việt Nam phát triển, nhưng giờ đây, cần chỉ dấu có tính quy mô lớn hơn.
Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok tại Việt Nam |
Giải pháp thúc đẩy hàng Việt trên môi trường trực tuyến
Chia sẻ về cơ hội của hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, ông Lê Đức Anh cho biết, trong mỗi thời điểm, sẽ có những nhóm doanh nghiệp khách nhau tận dụng được cơ hội khác nhau.
Trong suốt 20 năm qua, hàng Việt luôn có nhiều cơ hội và mỗi "làn sóng" thương mại điện tử có cơ hội khác nhau. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được "làn sóng" thương mại điện tử trước đây để phát triển.
Giai đoạn hiện nay, bước sang giai đoạn mới, kỷ nguyên mới với nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm thị trường thương mại điện tử theo mô hình B2C, thay vì B2B như trước đây (quan tâm đối tác lớn, có đơn hàng lớn).. Một doanh nghiệp truyền thống muốn tiếp cận khách hàng, phải có hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên, hiện nay, một doanh nghiệp bất kỳ có thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng dễ dàng hơn bao giờ hết. Vì thế, mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược tiếp cận khách hàng khác nhau.
Ông Trần Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, kiêm Giám đốc Điều hành kênh TMĐT E2E (thuộc Tập đoàn KIDO) |
Theo ông Trần Quốc Bảo, Tập đoàn KIDO đã có mặt trên thị trường 30 năm và đặc điểm nổi bật là rất chú trọng đến kênh phân phối bán hàng. Đối với thương mại điện tử, KIDO cũng tiếp cận theo hướng xây dựng kênh phân phối. Chính vì xác định như vậy, nên đã xây dựng rất đầy đủ kênh phân phối online.
KIDO thôi thúc xây dựng hệ thống Scom - một nền tảng mà người bán hàng, nhà sản xuất và người tiêu dùng tương tác trực tiếp với nhau. Căn cứ vào đó, xây dựng tổ chức bộ máy vận hành đầy đủ, từ nhân sự, hạ tầng.
Để phát triển thương mại điện tử, thương hiệu, Tập đoàn tăng cường tham gia các sự kiện của các cơ quan chính quyền. Trong đó, hai năm liên tiếp đồng hành cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tham gia tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia.
Chính việc tham gia thương mại điện tử, đã giúp KIDO thu được kết quả đáng khích lệ. Mục tiêu tham gia thương mại điện tử nhằm tăng cường độ phủ sản phẩm, làm các hoạt động marketing. Với nền tảng thương mại điện tử trên Scom, KIDO tiếp cận khách hàng mới trên mạng xã hội, để có được tệp khách hàng theo kịp với xu hướng của sản phẩm.
Với vai trò nền tảng sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết, khi triển khai nền tảng ứng dụng TikTok và TikTok Shop, đã đặt ra mục tiêu làm thế nào để hỗ trợ cho nhà nước, doanh nghiệp và người lao động đứng vững trong kỷ nguyên chuyển đổi số của toàn thế giới. Đồng thời, làm thế nào để hàng hóa Việt Nam sản xuất ra vẫn đưa đến được người tiêu dùng trong và ngoài nước?
Thực tế triển khai chương trình phiên chợ OCOP - mỗi xã một sản phẩm, đã tôn vinh hàng nông sản Việt Nam, xóa nhòa khoảng cách số giữa nông thôn, thành thị. Triển khai chương trình này cũng hướng dẫn người dân, mỗi thứ 7 hàng tuần, tổ chức 1 phiên livestream để giới thiệu, tiếp cận 5 triệu người khá thành công.
Tháng 6/2024, chương trình đã được mở rộng với gọi tên là chương trình là Tự hào hàng Việt. TikTok đã phối hợp với các hội để doanh nghiệp sản xuất hưởng ưu đãi của nền tảng như hỗ trợ bán hàng. Trong 6 tháng, hỗ trợ 10 nghìn doanh nghiệp, đăng tải, đưa lên nền tảng TikTok Shop hashtag như Tự hào hàng Việt, hay OCOP...
Là đối tác của Bộ Công Thương trong tổ chức các chương trình, TikTok cũng cam kết đồng hành cùng chương trình thương mại điện tử và Bộ Công Thương giới thiệu nhiều nhất các sản phẩm của nhà sản xuất Việt đến với cộng đồng người tiêu dùng. Thông qua chương trình, xây dựng liên minh của hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để xây dựng liên minh bảo vệ người tiêu trong việc lựa chọn những hàng hóa tốt, giá thành hợp lý, cùng chính phủ đảm bảo nguồn thu, tái đầu tư…