Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) được thành lập từ năm 1983, tiền thân của công ty là Xí Nghiệp Liên hiệp Dược Đồng Tháp, trực thuộc Sở Y tế Đồng Tháp. Năm 2006, doanh nghiệp bắt đầu niêm yết trên sàn HOSE với mã IMP.
IMP hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm tân dược, dụng cụ y tế, nguyên phụ liệu ngành. Doanh nghiệp có 4 cụm nhà máy trong đó nhà máy IMP 1 đạt chuẩn WHO - GMP và 3 nhà máy là IMP 2,3,4 đạt chuẩn EU - GMP, hệ thống kho đạt tiêu chuẩn GSP - ASEAN và Phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP - ASEAN.
Chứng khoán Yuanta dự phóng giá trị hợp lý của cổ phiếu IMP là 97.453 đồng/cp, cao hơn khoảng 40% so với giá đóng cửa phiên 19/6. Ảnh minh họa |
IMP được cấp visa châu Âu cho sản phẩm thuốc Cephalexin 500mg và việc được cấp giấy chứng nhận WHO - GMP cho nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm sản xuất tập trung các nhóm hạ sốt giảm đau, kháng sinh, vitamin, thực phẩm chức năng.
Năm 2023, IMP ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, trong đó tổng doanh thu tăng trưởng 26% so với% cùng kỳ, đạt 2.113 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 377 tỷ đồng, tăng gần 30%.
Sang năm 2024, quý đầu tiên của IMP không mấy khả quan khi chứng kiến doanh thu tăng nhẹ 2,5% lên 491 tỷ đồng, trong khi đó, lợi nhuận trước thuế sụt giảm tới 21% so với quý I/2023, xuống còn 78 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành lần lượt 21% và 18% kế hoạch kinh doanh cả năm.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Chứng khoán Yuanta) cho biết, doanh thu của IMP trong quý I/2024 tăng nhẹ chủ yếu nhờ vào kênh ETC tăng trưởng tốt (tăng 58% cùng kỳ) bù đắp cho kênh OTC giảm nhẹ (giảm 9% cùng kỳ). Song, điểm tích cực là doanh số bán hàng cho các chuỗi nhà thuốc tăng mạnh (tăng 200% cùng kỳ).
Về lợi nhuận, sự giảm sút đến từ việc nhà máy IMP 4 đi vào hoạt động từ quý III/2023 dẫn đến chi phí khấu hao tăng và giá nguyên liệu API vẫn ở mức cao khiến giá vốn hàng bán tăng 25% so với cùng kỳ. Song, điểm tích cực là cơ cấu nguồn vốn IMP tiếp tục lành mạnh, tổng vay nợ của IMP cuối quý I ở mức 119 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,1 lần, khá an toàn - theo đánh giá của Chứng khoán Yuanta.
Bên cạnh những số liệu tài chính, Chứng khoán Yuanta cho rằng IMP đang sở hữu những yếu tố phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Chẳng hạn, theo như IMP công bố thì các nhà máy IMP 1,2,3,4 mới chỉ đạt công suất lần lượt là 67%, 37%, 57%, 61% trong năm 2023, điều này phần nào do việc cân đối hàng tồn kho.
Với việc các nhà máy chưa đạt công suất tối đa, IMP còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu kênh ETC khi danh mục thuốc được mở rộng.
Mặt khác, IMP còn hưởng lợi từ chính sách nội địa hóa ngành dược, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03/2024 về danh mục thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU - GMP. Đây là một điểm thuận lợi cho IMP khi công ty đáp ứng được 12/93 loại thuốc được ban hành theo thông tư.
Nhóm phân tích của Yuanta cho rằng đây sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho kênh ETC trong năm 2024, thực tế đã minh chứng trong quý I/2024.
Song song với mức tăng trưởng ấn tượng của kênh ETC trong quý I/2024 (tăng gần 60% so với cùng kỳ), IMP đang tiếp tục thúc đẩy kênh OTC với kế hoạch phát triển thị trường miền Bắc và củng cố lại thị trường miền Nam và miền Trung.
Trước đó tháng 2/2024, Genuone và IMP đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược đánh dấu bước tiến lớn trong việc sản xuất các loại thuốc biệt dược chất lượng cao giá cả cạnh tranh. "Phần lớn thị phần thuốc biệt dược đang nằm trong tay các nhà sản xuất nước ngoài", chuyên gia nhấn mạnh.
Cộng thêm giá nguyên liệu API có thể hạ nhiệt trong năm nay, dựa trên phương pháp định giá P/E và P/B (tỷ trọng 50 - 50), Chứng khoán Yuanta dự phóng giá trị hợp lý của cổ phiếu IMP là 97.453 đồng/cp, cao hơn khoảng 40% so với giá đóng cửa phiên 19/6.