Không hiếm trường hợp doanh nghiệp thất hứa triền miên liên quan đến trả cổ tức |
Chây ỳ kéo dài
Việc doanh nghiệp chây ỳ cổ tức, khiến cổ đông bức xúc đã nhiều lần được phóng viên phản ánh. Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, tình trạng này “đến hẹn lại lên”. Chẳng hạn, lấy lý do khó khăn về dòng tiền, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (VCR) thông báo dời thời gian thanh toán cổ tức năm 2010 lần thứ 6 và thời gian dự kiến chi trả là 30/3/2018.
Theo VCR, Công ty chưa có nguồn tiền để thực hiện chi trả cổ tức do thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang trầm lắng, dẫn đến việc kinh doanh Dự án Cát Bà Amatina gặp nhiều khó khăn, dòng tiền kinh doanh của dự án (bao gồm cả bán mới và thu nợ) không đạt kỳ vọng.
VCR từng là một doanh nghiệp tiềm năng của Vinaconex, nhưng nay gần như “chết lâm sàng” vì không có nguồn thu, giá cổ phiếu đang ở mức thấp chưa từng có khi giao dịch ở mức 2.300 đồng/cổ phiếu.
Việc các doanh nghiệp thất hứa triền miên liên quan đến trả cổ tức như trường hợp của VCR không phải là cá biệt, thậm chí xuất hiện khá nhiều, đặc biệt là một số doanh nghiệp “họ” Sông Đà. Ví dụ, Công ty Cổ phần Kỹ thuật điện Sông Đà (SDE) đã “năm lần bảy lượt” khất nợ cổ tức và đến thời điểm hiện tại đang nợ cổ tức năm 2011, 2012.
Điều đáng nói tại một số doanh nghiệp là dù chưa trả cổ tức nhưng đã thực hiện chốt danh sách cổ đông, nghĩa là giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh từ trước. Điển hình là trường hợp của Công ty Cổ phần Sông Đà 9.06 (S96). Theo đó, Công ty đã quyết định thay đổi ngày thanh toán cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt tỷ lệ 20% lần thứ 6 sang tới ngày 31/12/2018.
Ông P.M.Hải, cổ đông của S96 cho biết, Công ty đã thông qua nghị quyết trả cổ tức năm 2010 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt và sẽ trả vào 12/8/2011. Sau đó, Ban lãnh đạo Công ty thông báo do dùng vốn để thực hiện các dự án nên chưa thu xếp được nguồn tiền, lần lượt xin khất cổ tức sang cuối năm 2011, ngày 29/6/2012, tháng 12/2012, ngày 31/12/2014, tháng 12/2016 và nay là tháng 12/2018.
Theo cổ đông của Công ty, giá cổ phiếu S96 từ thời điểm chốt danh sách cổ tức là 10.000 đồng/cổ phiếu (tháng 8/2011), đang giao dịch trên HNX và nay đã chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM với giá chỉ còn 700 đồng/cổ phiếu, khiến cổ đông bị “thiệt đơn, thiệt kép”.
Thông thường, cổ đông chỉ có thể thông cảm khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong ngắn hạn và lùi ngày trả cổ tức 1 - 2 lần. Nhưng việc doanh nghiệp khất lần từ năm này qua năm khác, trong một số trường hợp, tạo cho cổ đông cảm giác mình bị lừa.
Điều khó cho cổ đông là hiện nay vẫn chưa có chế tài xử lý các doanh nghiệp chây ỳ nên nhiều công ty tiếp tục “nhởn nhơ” gia hạn trả cổ tức. Những doanh nghiệp chưa trả cổ tức từ năm 2010 cũng đồng nghĩa với việc nói không với chia cổ tức cho những năm tiếp theo.
Tìm hướng xử lý
Bức xúc là vậy, nhưng theo cổ đông P.M.Hải, rất khó để cổ đông khởi kiện doanh nghiệp bởi mất nhiều thời gian, trong khi giá cổ phiếu hiện tại đã “rẻ như cho”, nếu tính thiệt hại trượt giá thì nhiều cổ đông gần như mất trắng. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, vẫn phải nêu ra vấn đề để các doanh nghiệp suy nghĩ trong cách “ứng xử” với cổ đông, không thể chỉ đưa ra một thông báo gia hạn chi trả là hết trách nhiệm.
Trước đây, việc trả cổ tức hoàn toàn là vấn đề nội bộ công ty, pháp luật gần như chưa có sự can thiệp nên tất cả phụ thuộc vào “lời hứa” của lãnh đạo và uy tín của doanh nghiệp. Với việc Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời, cổ đông có quyền khởi kiện doanh nghiệp chây ỳ cổ tức ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, do thủ tục khởi kiện rườm rà và khó khả thi đối với các nhà đầu tư nhỏ, nên ít trường hợp cổ đông khởi kiện doanh nghiệp. Các cổ đông đa phần dù rất tức nhưng đành “ấm ức” để trong lòng.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp phải trả cổ tức đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị công ty lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.
Quy định là vậy, nhưng không có chế tài để buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ trả cổ tức với cổ đông!