Thông điệp xuyên suốt trong sách “Gừng xứ Nghệ” mà tác giả Đỗ Lai Thuý tạo dựng qua 20 bức chân dung các nhà văn hoá nhiều ảnh hưởng của Việt Nam từ xưa tới nay chính là những câu tục ngữ đã phổ biến ở Việt Nam là “Gừng càng già càng cay” cùng “Người ta là hoa của đất”.
Việt Nam có nhiều địa phương nổi tiếng được gọi bằng xứ, như xứ Bắc, xứ Đoài, xứ Đông, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng, thậm chí xứ Đồng Nai. Xứ vốn là một đơn vị hành chính, sau trở thành một vùng địa – văn hóa. Đất đai, sông núi, phong tục tập quán, lịch sử, văn hóa của một vùng đất đã tạo ra những anh hùng, nhà thơ, nhà tư tưởng không chỉ của vùng đất ấy.
Tác giả Đỗ Lai Thuý giới thiệu tập sách |
Xứ Nghệ (gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) có sông Lam, núi Hồng và biển cả. Đứng ở đồng bằng, chỉ một liếc mắt là đã thu gọn cả nước non. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đất đai cằn cỗi, khí hậu gió lào khắc nghiệt. Xứ Nghệ trước đây vốn là giáp ranh giữa Đại Việt và Chăm Pa và chiến tranh giữa hai nước trước hết xảy ra trên đất này. Nên nơi đây cũng là đất lưu đày của những dòng họ phạm tội với triều đình, nhưng cũng là mảnh đất tự do cho những anh chị, những kẻ hành tung bất hảo trú ngụ.
Con người sống trong môi trường thiên nhiên và xã hội hoang dã và khắc khổ như vậy lâu dần hình thành nên tính cách Nghệ: bền bỉ kiên cường, bất khuất đến duy ý chí, ham học, thích làm giàu, làm quan, nhưng cũng không kém phần mơ mộng.
Đất Nghệ cũng là đất học. Ở Việt Nam, sự học trước đây được biểu tượng hóa lên thành ông đồ: đồ Bắc (Kinh Bắc), đồ Nam (Nam Định, Hà Nam), đồ Nghệ (Nghệ An, Hà Tĩnh), đồ Quảng (Ngũ Quảng, chủ yếu Quảng Nam). Từ ông đồ Nghệ đó đã thoát thai những danh nhân văn hóa, xưa là La Sơn phu tử, Phan Huy Ích, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ…, nay là Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện, Cao Xuân Huy, Hà Văn Tấn…
Tập sách Gừng xứ Nghệ |
Tác giả Đỗ Lai Thuý tự sự trong lời mở sách rằng, trong rất nhiều các nhân vật xứ Nghệ, do rất nhiều những giới hạn của một cây bút phê bình, ông chỉ có thể viết được 20 người, trong số này có những người đã "quen" song cũng có cả những người "lạ". Nhưng như thế cũng có thể coi là nhiều đối với một người ngoài-Nghệ, không-Nghệ.
“Thực ra, tôi không có ý định viết về các danh sĩ đất Nghệ. Trên hành trình viết của tôi, tôi chỉ tìm đến những người có vấn đề học thuật, có nhân cách thú vị, có sáng tạo thi/văn cách, chứ không hề xem ông/anh ta quê quán ở đâu”- vẫn lời tác giả Đỗ Lai Thuý.
Cũng chính vì thế mà nhân vật hiện diện trong tập sách có thể là những trí thức, nhà khoa học, học giả, tác giả có dấu ấn đậm nét trong hành trình tư tưởng và sáng tạo của dân tộc. Và, những chân dung nhân vật tưởng như riêng lẻ này, khi ráp nối lại với nhau, lại như những mảnh ghép để cho thấy bức tranh văn hóa thời đại, khi thì đầy biến động, khi thì bị đặt vào tình thế chuyển đổi.
Nghiên cứu nhân học văn hoá được xem như không quá tập trung hoặc chú trọng kết quả mà chú trọng đến quá trình. Và nghiên cứu văn học theo hướng nhân học văn hóa là một hướng nghiên cứu độc đáo, thú vị và tập sách “Gừng xứ Nghệ” với ngót 400 trang là một nỗ lực mới theo hướng này.
Cũng bởi vậy, với các độc giả trẻ hôm nay, tập sách mang đến những tri thức, hiểu biết mới về các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong dòng chảy tư tưởng lịch sử của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong thế kỉ XX. Từ đó, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, thôi thúc thế hệ trẻ tự tin vững bước, đóng góp cho sự phát triển của nền văn hóa cũng như văn học nghệ thuật nước nhà, để văn hoá thực sự là mục tiêu và cũng là đông lực cho phát triển đất nước.