Cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và vùng Primorye, LB Nga
Cao su là mặt hàng chủ yếu Việt Nam cung cấp cho vùng Primorye
- Theo số liệu thống kê của Vùng Primorye, kim ngạch thương mại của vùng Primorye với Việt Nam tăng trưởng hàng năm và trong 9 tháng đầu năm 2012 tăng 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2011, đạt 133,4 triệu USD. Sự tăng trưởng thương mại chủ yếu do xuất khẩu từ vùng Primorye sang Việt Nam các phương tiện vận tải đường thủy (90,9 triệu USD), amiăng (10,2 triệu USD) tăng gấp 10 lần. Nhập khẩu từ Việt Nam tăng 16%, đạt 32 triệu USD. Việt Nam cung cấp cho vùng Primorye chủ yếu là các mặt hàng: thực phẩm, cao su, sản phẩm từ da như túi xách, va ly, túi du lịch.
Vùng Primorye có thể xuất khẩu sang Việt Nam các loại hàng hóa như sau: quặng và tinh quặng (vonfram, chì, kẽm), xi măng, sản phẩm từ amiăng, nguyên liệu cung cấp từ boric (axit boric, canxi boric, anhidrit boric, oktoborat natri, perborate natri, thermobaric), máy móc, thiết bị, gỗ xẻ và các mặt hàng khác.
Trong Chiến lược phát triển khu vực Viễn Đông và Baikal giai đoạn đến 2025, vùng Primorye thực hiện kế hoạch đầu tư bao gồm 69 dự án đầu tư ưu tiên với tổng giá trị hơn 60 tỷ USD thuộc các lĩnh vực: dầu khí, năng lượng, giao thông, công nghiệp, công nghệ thông tin, công nghiệp cá, xây dựng nhà ở công cộng, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa - thể thao, công nghệ cao. Trong đó, Việt Nam và chính quyền vùng Primorye đang nghiên cứu triển vọng xây dựng dự án “Khu Công nghiệp nhẹ trên lãnh thổ vùng Primorye” (sau đây là Khu Công nghiệp nhẹ).
Dự án khu công nghiệp nhẹ tại Primorye được đề xuất nhằm sản xuất các loại hàng hoá có nhu cầu cao tại khu vực như: quần áo khoác, quần áo thể thao, hàng dệt kim, vải và giầy dép. Với công suất thiết kế dự kiến được đưa vào sử dụng, doanh thu hàng năm sẽ đạt hơn 20 tỷ rúp vào năm 2015 và tạo ra hơn 5.000 việc làm mới. Trong quá trình thực hiện dự án dự kiến sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan. Trong khuôn khổ Dự án, dự kiến sẽ xây dựng khu nhà ở với tổng diện tích 40.000 km2 cùng với hệ thống giao thông và viễn thông. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 8,7 tỷ rúp (khoảng 290 triệu USD). Chủ đầu tư là Công ty “Transengineering”.
Ngoài ra, giữa Primorye và Việt Nam cũng phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học thông qua việc tham gia các chương trình giáo dục chung, thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên, tham gia vào các dự án và chương trình nghiên cứu quốc tế, tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thảo quốc tế và đẩy mạnh các chương trình trao đổi văn hóa và thể thao, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm khoa học - kỹ thuật.
Hiện tại có gần 20 sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học của Vùng. Trong năm 2010 đã xây dựng Trung tâm điều phối hợp tác khoa học - kỹ thuật DVO RAN (Chi nhánh Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga) và Viện khoa học công nghệ Việt Nam và 3 phòng thí nghiệm Nga - Việt.
Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương xin giới thiệu Danh sách các dự án đầu tư của vùng Primorye, Liên bang Nga để nghiên cứu, xem xét việc tham gia đầu tư vào các dự án này. Ngoài ra, thông tin về chính sách và các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể của vùng có thể tham khảo tại Website: //invest.primorsky.ru.
DANH SÁCH CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TẠI VÙNG PRIMORYE, VIỄN ĐÔNG, NGA
|
Vụ thị trường châu Âu