Cơ hội “hút” vốn từ ASEAN
Nhà đầu tư Singapore không ngừng tăng vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam |
Thu hút hơn 56 tỷ USD vốn FDI
Đến nay, đã có 8 quốc gia ASEAN đầu tư tại Việt Nam, bao gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Phillipines, Lào, Campuchia. Các quốc gia này đầu tư vào Việt Nam 2.681 dự án, tổng vốn đăng ký 56,32 tỷ USD, chiếm gần 14% về số dự án, hơn 20% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư ASEAN có mặt ở 56/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tập trung tại 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số với 1.058 dự án - tổng vốn đăng ký đầu tư trên 24 tỷ USD, chiếm 43% tổng vốn đầu tư của khối ASEAN tại Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điểm nổi bật nhất của các dự án FDI từ khu vực ASEAN là vốn trung bình cao hơn những quốc gia khác (khoảng 20 triệu USD/dự án), trong khi mức trung bình của dự án FDI khác là 14 triệu USD/dự án. Đặc biệt, trong số dự án của nhà đầu tư ASEAN tại Việt Nam, có dự án lớn và hoạt động tương đối hiệu quả như dự án của Công ty liên doanh Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam- Singapore (VSIP). Hiện Việt Nam đã có 7 KCN VSIP được đầu tư tại 6 tỉnh gồm: Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương, Nghệ An. Trong đó, KCN VSIP Nghệ An vừa được khởi công vào tháng 9/2015.
Triển vọng lớn
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Triển vọng để Việt Nam thu hút FDI từ các nước ASEAN rất lớn bởi không chỉ là một thành viên tích cực, Việt Nam còn thực hiện tốt cam kết chung của khối; thực hiện hợp tác song phương đa dạng trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khối ASEAN phát triển tốt đẹp.
Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo: Việc AEC được thành lập vào cuối năm 2015, với các hiệp định chung về điều chỉnh đầu tư (Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN- ACIA), thương mại (Hiệp định Thương mại hóa ASEAN- ATIGA) và dịch vụ (Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ- AFAS), làm tăng sức hấp dẫn của khu vực này trong thu hút đầu tư. Hơn nữa, so sánh với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn là quốc gia có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nhờ nền tảng chính trị ổn định, hạ tầng giao thông, hạ tầng chính sách thu hút đầu tư được cải thiện mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam liên tục đưa ra cam kết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài- khuyến nghị: Để nguồn vốn FDI nói chung, FDI từ các nước ASEAN nói riêng mang lại hiệu quả tích cực, cần chú trọng thu hút vốn FDI có chất lượng; không chỉ tạo giá trị xuất khẩu mà phải chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ; gắn thu hút FDI với tái cấu trúc nền kinh tế.
Đứng đầu các quốc gia ASEAN đang đầu tư tại Việt Nam là Singapore với 1.456 dự án, tổng vốn đăng ký 33,45 tỷ USD. |