Theo thống kê của cơ quan chức năng, giá trị xuất khẩu rau quả tính đến ngày 15/5/2020 đạt 1,4 tỉ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 5/2020 ước đạt 275 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng năm 2020 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 với 60,8% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 745,1 triệu USD, giảm 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 1,1 tỷ USD).
4 tháng năm 2020, thanh long – mặt hàng chiếm thị phần cao nhất (với 34,6% tổng giá trị xuất khẩu rau quả) đạt 423,8 triệu USD, giảm 7,7% |
Trừ thị trường Trung Quốc có giá trị xuất khẩu giảm trong 4 tháng năm 2020, hầu hết các thị trường đều có giá trị xuất khẩu tăng như: Thái Lan đạt 57,8 triệu USD (chiếm 4,7% thị phần, tăng 244,1%); Hàn Quốc đạt 54,6 triệu USD (chiếm 4,5%, tăng 25,4%); Hoa Kỳ đạt 49,2 triệu USD (chiếm 4%, tăng 8,2%), Nhật Bản đạt 46,2 triệu USD (chiếm 3,8%, tăng 26,4%); Hà Lan đạt 28 triệu USD (chiếm 2,3%, tăng 28,3%);…
Tính riêng 4 tháng năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt 1,2 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 1,4 tỷ USD), nguyên nhân là do một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm, trong đó có thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất (với 34,6% tổng giá trị xuất khẩu rau quả) đạt 423,8 triệu USD, giảm 7,7%; chuối đạt 83,2 triệu USD (chiếm 6,8%; giảm 2,7%); dưa hấu đạt 30,9 triệu USD (chiếm 2,5%, giảm 40,1%); sầu riêng đạt 18 triệu USD (chiếm 1,5%; giảm 84,1%), nhãn đạt 17,5% (chiếm 1,4%; giảm 81%).
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 5/2020 ước đạt 99 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2020 đạt 476 triệu USD, giảm 43,4% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia là các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam.
Theo dự báo của Sở Thương mại Vân Nam, thời gian từ nay đến hết tháng 6/2020, thị trường tỉnh Vân Nam sẽ thiếu hụt một số lượng lớn (khoảng 25- 35%) các loại hàng hóa nông sản thiết yếu (nhóm hàng rau quả, lương thực, thực phẩm...) phục vụ cho đời sống nhân dân.
Để thúc đẩy giao thương, từ ngày 26 - 27/5/2020, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Vân Nam (CCPIT Vân Nam) đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam). 21 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản (rau, củ, quả tươi, sấy khô, các loại hạt, gia vị...); thủy sản (khô, đông lạnh và đóng hộp); thực phẩm chế biến; đồ uống (cà phê, sữa, nước ép trái cây...)… đã tham gia giới thiệu, chào bán sản phẩm tới các nhà nhập khẩu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tại hội nghị.
Ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam - đánh giá, nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long, cà phê, hạt điều, thủy sản được người Trung Quốc ưa chuộng và có nhiều triển vọng tăng cường xuất khẩu sang thị trường này. Việt Nam và Trung Quốc nói chung và với Vân Nam nói riêng cần phối hợp chặt chẽ với nhau và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, không chỉ bằng phương thức truyền thống mà còn theo hình thức trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại cho doanh nghiệp hai bên, góp phần củng cố quan hệ thương mại đã được xây dựng trên những nền tảng bền vững giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Cơ hội rộng mở cho nông sản, thực phẩm, rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hậu dịch Covid-19. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã đề nghị phía Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thông thương hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam sang Trung Quốc thông qua các cặp cửa khẩu với Vân Nam; có biện pháp hữu hiệu giảm áp lực thông quan, giảm áp lực ùn ứ hàng hóa. Phía Trung Quốc cũng cần đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi...; đưa sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu và giao dịch theo phương thức chính quy....
Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông giai đoạn 2019 - 2022 (AHKFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2020 có những tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá nói chung, mặt hàng rau quả của Việt Nam nói riêng sang thị trường Hồng Kông. Các chuyên gia dự báo triển vọng xuất khẩu rau quả sang thị trường Hồng Kông tương đối khả quan, đặc biệt là thời điểm hậu Covid-19. Các mặt hàng trái cây của Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị phần sang Hồng Kông là thanh long, sầu riêng, xoài, dừa, bưởi…
Gần đây, mặt hàng quả ớt tươi xuất khẩu bị phía Trung Quốc phát hiện có ấu trùng ruồi đục quả. Bộ NN&PTNT đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn thông tin, hướng dẫn các cơ sở sản xuất ớt thực hiện những biện pháp kiểm soát dịch hại trên, đảm bảo hàng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, giữ vững thị trường xuất khẩu. |