Sản xuất giày dép xuất khẩu |
Cơ hội mở rộng thị trường
Theo đánh giá của TS. Lê Thị Thùy Vân - Viện Chiến lược và chính sách tài chính - các FTA được ký kết có sự tham gia của Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng đối với việc mở rộng thị trường dịch vụ tài chính, tăng cường năng lực tài chính, quản trị của các thành viên tham gia cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trường. Đối với thị trường bảo hiểm, tác động của hội nhập kinh tế đối với từng phân ngành bảo hiểm là khác nhau. Các doanh nghiệp tái bảo hiểm sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn so với các doanh nghiệp bảo hiểm gốc.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm nhận định: Bảo hiểm sẽ không nằm ngoài xu thế tăng trưởng khi TPP đi vào thực tế. Khi đó, hàng rào thuế quan rộng mở, sự dịch chuyển của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ, Nhật Bản vào Việt Nam nhiều hơn sẽ làm tăng tổng tài sản đầu tư tại Việt Nam, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước, cải thiện GDP, giúp người dân tăng thu nhập. Cùng với đó, nhận thức của các chủ thể về bảo hiểm được tăng lên sẽ tạo đà tăng trưởng hơn nữa cho các loại hình bảo hiểm.
Bên cạnh đó, các FTA cũng là động lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam, nhất là với thị trường bất động sản. Điều dễ nhận thấy nhất là mọi nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ đều được hưởng lợi khi các tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Đây chính là cơ hội để các nhà bảo hiểm trong nước phát triển mảng bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm tài sản - thiệt hại.
Một lãnh đạo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chỉ ra rằng, khi TPP có hiệu lực, cơ hội của ngành bảo hiểm Việt Nam rất lớn, bởi trong 11 nước tham gia TPP cùng Việt Nam, các nước Australia, Canada, Nhật, Mỹ có sự hiện diện thương mại tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, nên thị trường có thể sẽ có thêm những thành viên mới. Ngược lại, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cũng có thể mở rộng địa bàn hoạt động sang các quốc gia tham gia TPP.
Những cơ hội mới sẽ đến với ngành bảo hiểm khi giao lưu thương mại, dịch vụ, đầu tư, du lịch… trong các nước thành viên được mở rộng cùng với một số nước ngoài TPP đầu tư vào Việt Nam để được hưởng lợi từ TPP. Đây có thể xem là những “cơ hội vàng” cho doanh nghiệp bảo hiểm biết tận dụng lợi ích từ hội nhập. Đơn cử như với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, nhu cầu bảo hiểm tài sản sẽ tăng nhanh chóng khi làn sóng đầu tư nước ngoài từ các nước thành viên vào Việt Nam cũng như các nước ngoài TPP đầu tư vào Việt Nam.
Gia tăng sản phẩm
Mặc dù thị trường bảo hiểm đã có bước phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, tuy nhiên, theo đánh giá Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, quy mô thị trường vẫn còn nhỏ so với tiềm năng.
Thực thế, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay tại Việt Nam mới chỉ đạt 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%) của châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). Các doanh nghiệp bảo hiểm đã rất chủ động thiết kế và đưa ra các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Cụ thể, năm 2015, thị trường bảo hiểm có thêm 89 sản phẩm mới, nâng tổng số sản phẩm bảo hiểm trên thị trường là 1.187 sản phẩm, trong đó có khoảng 350 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và 837 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm mới tiếp tục được nghiên cứu, phát triển như: bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm rủi ro thiên tai…, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Tuy nhiên, với quy mô thị trường của Việt Nam và những lợi ích từ hội nhập mang lại, còn rất nhiều dư địa cho việc gia tăng phát triển sản phẩm bảo hiểm. Đơn cử với phân khúc bảo hiểm xe cơ giới, khi hàng rào thuế quan rộng mở cũng là lúc người dân Việt Nam có điều kiện sở hữu các dòng xe nhập khẩu với mức giá ưu đãi hơn so với trước nên có thể xem đây là cơ hội cho mảng bảo hiểm xe cơ giới phát triển. Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, nhu cầu của người dân về bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm người cao tuổi cũng sẽ tăng lên, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thiết kế và đưa ra các sản phẩm phù hợp, đặc thù cho nhiều đối tượng khách hàng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm còn có thể gia tăng, phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, sự tăng trưởng của nền kinh tế như: Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất - kinh doanh, cung cấp sản phẩm xuất khẩu, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người, vật nuôi, cây trồng (thức ăn, đồ uống, hóa mỹ phẩm, y dược, bảo vệ thực vật, phân bón, con giống, cây trồng…); phát triển sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam ra làm việc tại nước ngoài, hoặc người Việt Nam đi công tác, du lịch, học tập ngắn hạn tại nước ngoài; xây dựng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu xã hội khi học phí, viện phí được chuyển thành giá dịch vụ, dần dần trích đúng, trích đủ các chi phí của trường học, cơ sở khám bệnh...
Sẽ có không ít cạnh tranh đi cùng với những cơ hội mà hội nhập mang lại, tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của mình và với những am hiểu về thị trường sẵn có, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ phải nghiên cứu, cải tiến, phát triển sản phẩm bảo hiểm có sức hấp dẫn để đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, việc nâng cao năng lực cạnh tranh từ khâu phân phối sản phẩm bảo hiểm, quản lý hợp đồng, quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cũng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp bảo hiểm có thể tồn tại và phát triển trong môi trường hội nhập đầy khốc liệt.
Năm 2015, thị trường bảo hiểm Việt Nam có thêm 89 sản phẩm mới, nâng tổng số sản phẩm bảo hiểm trên thị trường là 1.187 sản phẩm, trong đó có khoảng 350 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và 837 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. |