Nhóm ngành “outperform” (vượt trội)
Hiện mới chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghệ niêm yết trên hai sàn chứng khoán với quy mô vốn hóa còn khá khiêm tốn (chiếm khoảng 2,5% tổng vốn hóa toàn thị trường). Trong đó, các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn nhất là FPT (vốn 10.000 tỉ đồng), Thế giới di động (mã MWG, vốn 1.900 tỉ đồng); tập đoàn Công nghệ CMC (mã CMG, vốn 1.000 tỉ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ viễn thông Elcom (mã ELC, vốn 635 tỉ đồng); còn lại các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ hơn như ONE, VTC, VIE... đều có quy mô vốn dưới 100 tỉ đồng.
Nhắc tới nhóm cổ phiếu công nghệ ở thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư chú ý nhiều đến FPT không những do đây là một cổ phiếu blue-chip đầu ngành có lĩnh vực hoạt động rộng, quy mô vốn lớn, thời gian niêm yết lâu mà còn do FPT có tính thị trường cao nhất với sự tham gia của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (khối lượng giao dịch của FPT luôn từ vài trăm ngàn đến hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên).
Tính từ đầu năm cho đến nay, cổ phiếu công nghệ cũng là một trong những nhóm có mức tăng trưởng cao hơn so với thị trường chung. Trong khi Vn-Index mới chỉ tăng khoảng 11% thì các cổ phiếu chủ chốt trong ngành này như FPT đã tăng 22,4%, ELC tăng 170%, CMG tăng 173% (ngoại trừ MWG giảm 21% do nhà đầu tư lo ngại về chiến lược mở rộng ồ ạt và hoạt động phát hành cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt ESOP quá dồn dập)... Đặc biệt, trong tháng 10, cổ phiếu đầu ngành FPT đã có một đợt tăng khá mạnh (11%) sau khi đón nhận thông tin liên quan đến chủ trương thoái vốn của SCIC. Với mức tăng trưởng ấn tượng như trên, nhóm cổ phiếu công nghệ đang dần thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong những phiên gần đây.
Hoạt động khả quan
FPT đã công bố kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 29.257 tỉ và 1.270 tỉ đồng (tăng 20% và 8% so với cùng kỳ). Cả ba mảng hoạt động chính của FPT đều tăng trưởng tốt: mảng công nghệ (bao gồm phát triển phần mềm, tích hợp hệ thống và dịch vụ công nghệ thông tin) có doanh thu tăng 30% và lợi nhuận trước thuế tăng 19%; mảng viễn thông có tốc độ tăng chậm hơn (lần lượt là 12% và 7%) trong khi mảng phân phối bán lẻ có tốc độ tăng tốt nhất, (lần lượt tăng 160% và 151% so cùng kỳ). Kế hoạch mở rộng lên 250 cửa hàng bán lẻ của FPT trong năm 2015 sắp về đích khi chuỗi cửa hàng này hiện đã đạt con số 238. Với kết quả này, EPS lũy kế chín tháng của FPT đạt 3.202 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh quí 3 nhưng kết quả trong tám tháng đầu năm cũng hết sức khả quan với doanh thu tăng 160% (hoàn thành 64% kế hoạch năm) và lợi nhuận tăng 151% so với cùng kỳ (hoàn thành 73% kế hoạch). Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu của Thế giới di động không thật sự khả quan do nhà đầu tư đang nghi ngại về triển vọng kinh doanh của công ty này trong tương lai khi thị trường bán lẻ điện thoại di động đang dần bão hòa trong khi các kế hoạch mở rộng kênh phân phối gần đây của MWG chưa thật sự hợp lý (có hiện tượng hai cửa hàng lớn của MWG xuất hiện trên cùng một dãy phố với vị trí rất sát nhau).
Các doanh nghiệp khác dù chưa có báo cáo cập nhật quí 3 cũng có tình hình kinh doanh khả quan trong sáu tháng đầu năm. Tập đoàn CMC trong quí 2 có doanh thu tăng 25% và lợi nhuận trước thuế tăng 71% so với cùng kỳ. ELC có doanh thu sáu tháng đạt 237 tỉ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 13,5 tỉ đồng, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ.
Tiềm năng tăng trưởng lớn
Nhóm ngành công nghệ là nhóm cổ phiếu được đánh giá ở mức khá an toàn, có tính ổn định cao, dư địa tiếp tục tăng trưởng trong tương lai còn rất lớn (dự báo mỗi năm ngành này ở Việt Nam có thể tăng trưởng từ 20-25%).
Các dự án xây dựng và quản lý hệ thống thông tin cho các bộ, ban ngành, các tỉnh và thành phố hay các dự án phục vụ cho số đông người dân như bán vé xe buýt, vé tàu điện tử, cân điện tử kiểm soát tải trọng, hệ thống thu phí cầu đường tự động... sẽ ngày càng được triển khai rộng rãi, tạo nguồn thu cho các công ty công nghệ trong tương lai. Ngoài ra, chỉ số P/E (giá cổ phiếu so với lợi nhuận) của cổ phiếu ngành này cũng chưa phải ở mức quá cao (P/E của cổ phiếu FPT là 9.7, của CMG là 8.2, của ELC là 9), vẫn thấp hơn mức P/E của thị trường chung (11.7).
Việc một số dự án đầu tư công của Chính phủ bị cắt giảm do thiếu hụt ngân sách đã có ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới một số mảng hoạt động của các công ty công nghệ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, với thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cùng nhu cầu hiện đại hóa thông tin ở cả cấp chính phủ, doanh nghiệp và người dân thì triển vọng kinh doanh của các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ là khá khả quan.