Sau hơn 5 năm đàm phán, 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cuối cùng đã đạt thỏa thuận về hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho thấy khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 nước, tăng lần lượt 13,6% và 31,7%. Kỳ vọng về những tác động tích cực này cũng được phản ánh trên thị trường chứng khoán những ngày qua, nhất là tại các nhóm ngành được đánh giá là hưởng lợi từ hiệp định này như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, da giày, nông sản...
Dệt may
Đón đầu cuộc họp kết thúc đàm phán hôm 5/10 tại Alanta (Mỹ), hàng loạt mã dệt may ghi nhận đà tăng giá mạnh trong giai đoạn 15/9-5/10. Cổ phiếu Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (Mã CK: TCM) tăng 12,64% lên 38.000 đồng; Đầu tư và thương mại TNG (Mã CK: TNG) tăng 17,15% lên 28.000 đồng; Mirae (Mã CK: KMR) tăng 17,07% lên 4.800 đồng... Dù mới niêm yết ngày 30/9, cổ phiếu của Sợi Thế Kỷ (Mã CK: STK) đã tăng 13,26% lên 35.000 đồng trước kỳ vọng doanh nghiệp có thể hưởng lợi khi TPP yêu cầu chặt chẽ về nguồn gốc nguyên liệu dệt may.
Theo Công ty chứng khoán BIDV (BSC), dệt may là một trong 6 nhóm ngành được hưởng lợi lớn nhất từ TPP. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào Nhật. Tuy không được hưởng thuế suất 0%, song một số doanh nghiệp dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài để gia công.
Dù vậy, với quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi", doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi. Trong khi đó, hiện chỉ một số ít các doanh nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước có các dự án nguyên liệu nhằm đón đầu hiệp định TPP.
Thủy sản
Cổ phiếu thủy sản được hưởng lợi nhiều nhất trong những ngày qua là chứng khoán của Thủy sản Hùng Vương (Mã CK: HVG), khi tăng 14,4% lên 17.400 đồng. Cổ phiếu của Thực phẩm Sao ta (Mã CK: FMC) cũng tăng 7,56% lên 25.600 đồng/cổ phiếu.
Với ngành này các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ có nhiều ưu thế tại thị trường Nhật khi thuế nhập khẩu được giảm về 0% so với mức trung bình là 6,4%-7,2% hiện tại. Tại Mỹ, TPP không tác động lớn do các doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá rất cao. Với mức thuế trung bình khoảng 0,97 USD kg thủy sản, việc bù đắp các chi phí nhiên liệu, nhân công… vẫn là thách thức lớn với doanh nghiệp Việt Nam.
Các cổ phiếu hưởng lợi từ TPP đã tăng giá đón đợi đàm phán TPP kết thúc |
Đồ gỗ
Không có nhiều đại diện niêm yết trên sàn nhưng một trong số này là CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) được nhà đầu tư khá săn đón trong những ngày qua khi kết quả kinh doanh 6 tháng của công ty này đã hoàn thánh 81% kế hoạch năm. Cổ phiếu tăng nhẹ 4,65% lên 18.000 đồng từ giữa tháng 9 đến nay.
Ở lĩnh vực này, Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 6 trên thế giới và đứng đầu ASEAN. Các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (37%), Nhật Bản (16%). Năm 2014, xuất khẩu gỗ đạt 6,2 tỷ,, tăng trưởng tại 2 thị trường Mỹ và Nhật lần lượt là 12,5% và 18%. “Thách thức lớn đối với các doanh nghiệp gỗ là nguồn nguyên liệu khi hơn 80% nguyên liệu đều đang phải nhập khẩu trong khi đó yêu cầu để được ưu đãi về thuế là tỷ lệ nội địa hóa phải đáp ứng từ 55% tổng giá trị trở lên. Doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài", BSC nhận định.
Ông Trần Ngọc Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường tại Công ty chứng khoán MB cho rằng trong trung và dài hạn các nhóm cổ phiếu dệt may, đồ gỗ, da giày, thủy sản chắc chắn sẽ được nhà đầu tư săn đón do được hưởng lợi lớn từ TPP.
"Nhóm cổ phiếu này vốn được hưởng lợi lớn từ các FTA mà Việt Nam đang và sắp tham gia với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu, Liên minh Châu Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN. Do đó, khi TPP có hiệu lực sẽ càng hấp dẫn hơn… Dự kiến doanh thu và lợi nhuận của nhóm cổ phiếu này sẽ tăng mạnh trong năm 2015. ", ông Sơn khẳng định và cho rằng hiệu ứng lan tỏa từ các cổ phiếu TPP sẽ giúp cũng cố tâm lý nhà đầu tư đặc biệt trong lúc thị trường ảm đạm như hiện nay.
Ông Trần Thăng Long, Trưởng bộ phận phân tích Công ty chứng khoán BSC có cái nhìn cẩn trọng hơn khi cho rằng TPP sẽ bao hàm cả tích cực và tiệc cực, có ngành hưởng lợi lớn nhưng cũng có ngành chịu tác động xấu như mía đường, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi.
"Trên thực tế một số cổ phiếu dệt may đã tăng giá mạnh trong 2 năm trở lại đây do thông tin tích cực về TPP và được phản ánh vào giá cổ phiếu rồi. Bản thân TPP đã quá tốt, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt phải tận dụng được các cơ hội mà TPP mạng lại, từ đó phát triển sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng bền vững", ông Long phân tích.
Theo báo cáo của BSC, các khu công nghiệp nằm ở gần cảng, sân bay, cơ sở hạ tầng phát triên, chính sách ưu đãi sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp định TPP nếu được ký kết sẽ làm gia tăng nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp. Đặc biệt với các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn, có vị trí thuận lợi như gần sân bay, cảng biển, nguồn nguyên liệu và có chính sách ưu đãi hấp dẫn.
Với ngành ôtô, kim ngạch nhập khẩu từ Nhật và Mỹ chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô của Việt Nam. Năm 2014, lượng xe ô tô nhập khẩu từ 2 thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh lần lượt là 140% từ Mỹ và 90% từ Nhật. Các dòng xe của Nhật và Mỹ như Honda, Toyota, Ford chiếm khoảng 45% cơ cấu tiêu thụ toàn bộ thị trường.
Ngành cảng biển, logistic được hưởng lợi từ nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao giữa khu vực Châu Á và Bắc Mỹ. Theo dự báo của BMI, hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 8%-9% và nhu cầu có thể vượt cung vào năm 2018 tại các cảng ở khu vực phía bắc.