Tốp trên
Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (BMC-Hose) đã có thời từng là doanh nghiệp đình đám trên sàn, nhất là vào năm 2006-2007 có lúc thị giá BMC đã “bay” qua mốc 600.000 đồng. BMC khai thác, xuất khẩu titan, nổi tiếng làm ăn hiệu quả, chia cổ tức cao. Nhưng hiện nay trong giai đoạn khó khăn của ngành khoáng sản, BMC cũng “vật vã” để có lợi nhuận.
Quí 1-2015 lợi nhuận sau thuế của BMC vẻn vẹn 1,9 tỷ đồng, thấp nhất trong cả chục quí trở lại đây. Năm ngoái lãi ròng của công ty tụt về 21 tỷ đồng trong khi suốt ba năm 2011-2013 lợi nhuận sau thuế luôn ổn định ở mức 80-90 tỷ đồng trên vốn điều lệ 124 tỷ đồng.
Từ khai thác và bán sản phẩm thô, BMC đã nhanh chóng thích ứng với chính sách hạn chế xuất khẩu quặng thô của Nhà nước bằng cách chuyển sang sản xuất titan. So với các doanh nghiệp cùng ngành, BMC có lợi thế suất đầu tư thấp, tiêu hao năng lượng thấp. Tuy nhiên, ngay cả những lợi thế đó cũng không bù đắp được sự sụt giảm của giá titan trên thị trường thế giới khiến biên lợi nhuận co hẹp. Ngoài ra, từ năm 2013 Nhà nước tăng thuế tài nguyên đối với titan từ 11% lên 16% làm lĩnh vực khai thác, sản xuất titan bị ảnh hưởng. Năm nay BMC đặt chỉ tiêu lợi nhuận ròng 14 tỉ đồng, bằng hai phần ba năm ngoái, song xem ra cũng khó đạt.
Với quy mô vốn điều lệ gần tương đương BMC, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM-Hnx) liên tục bị tác động bởi giá các kim loại trên thế giới tụt dốc không phanh. Doanh thu rơi, trong khi chi phí đầu vào tăng (chi phí xúc đất đá khi khai thác), khấu hao tăng, thuế tài nguyên tăng là lý do lợi nhuận quí 1 vừa qua của HGM chỉ còn 6 tỉ đồng. Năm 2012-2013 HGM đã luôn nằm trong danh sách những công ty đạt giải quán quân về EPS đến mười mấy ngàn đồng trên một cổ phiếu. Được cái HGM hoạt động hoàn toàn bằng vốn tự có, không vay ngân hàng đồng nào.
Trong tốp trên của doanh nghiệp khoáng sản, còn có KSB (Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương) với thị giá cổ phiếu đang ở mức 34.000 đồng cuối tháng 4-2015. Hoạt động khai thác đá đang giúp KSB ổn định doanh thu cũng như lợi nhuận ròng. Sự phục hồi của lĩnh vực xây dựng đang kéo theo sự tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng.
Tốp dưới
Dữ liệu thống kê của cả hai sàn cho thấy các công ty hoạt động thuần túy về khai thác khoáng sản đang chìm trong “bão” chủ yếu bởi giá các kim loại trên thị trường quốc tế liên tục lập đáy mới. Người mua các loại quặng thô hoặc chế biến sơ của các doanh nghiệp Việt đa phần là đối tác Trung Quốc. Gần đây nhu cầu tiêu thụ quặng kim loại của nước này giảm mạnh. Đã thế một số công ty còn gặp vấn đề riêng. Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang (BGM-Hose) “lùm xùm” hoán đổi cổ phiếu với Nature Việt, làm cổ đông không hài lòng. Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Tây Bắc (KTB-Hose) cuối tháng 9-2014 gặp sự cố vỡ hồ chứa thải do mưa bão của nhà máy tuyển quặng sắt làm đội chi phí giá thành trong khi giá quặng sắt giảm đều.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm ngoái của KTB còn được 3,6 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác như KSS (Công ty cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico); BKC (Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn); KHB (Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình)... lợi nhuận ròng chỉ vài trăm triệu đồng/năm hoặc thua lỗ, hòa vốn. Hầu hết các đơn vị hoạt động dựa trên vốn vay, lại chịu sức ép khấu hao cao, nên lợi nhuận bị teo tóp.
Thị giá các cổ phiếu khoáng sản ở tốp dưới đều dưới mệnh giá. Thị giá của KSA (Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận) còn 7.400 đồng mặc dù lợi nhuận sau thuế mấy năm trước đạt mười mấy tỷ đồng/năm, năm ngoái là 27 tỷđồng. KSA đang có tham vọng phát hành 67 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.044 tỉ đồng, dùng tiền này hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn khai thác mỏ titan mới, xây dựng nhà máy chế biến xỉ titan. Không biết cổ đông nào sẽ chấp thuận mua cổ phiếu phát hành mới bằng mệnh giá khi thị giá cổ phiếu trên sàn thấp hơn 26%?
Công ty Khoáng sản Fecon (FCM-Hose) vừa thông báo phát hành 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài để có vốn cải tạo nhà máy, đầu tư thiết bị và đầu tư mỏ đá. Thị giá FCM chỉ còn 8.000 đồng, gần với mức đáy vào tháng 10-2013. Với vốn điều lệ 410 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm ngoái hơn 23 tỷ đồng, FCM rõ ràng không phải là cổ phiếu được giới đầu tư nắm giữ lâu dài để “ăn” cổ tức hàng năm.
Thị giá của các cổ phiếu KSS, KTB, BGM, LCM (Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai) đang khá “bèo” khoảng 2.500-3.700 đồng/cổ phiếu, bằng một phần ba đến một phần tư giá trị sổ sách. Đây là mức thấp nhất của chúng từ năm 2010, thời chỉ số VN-Index bằng một nửa bây giờ. Trước đợt nghỉ lễ, thanh khoản khớp lệnh của KTB, KSS tăng vọt. Có thể giới đầu tư nhận thấy chúng đã rẻ tương đối so với cổ phiếu các nhóm ngành khác và mua vào. Tuy thế, với sự rút ra của dòng tiền khi mùa hè đến và sự phân hóa mạnh của các nhóm cổ phiếu năm nay, rủi ro khi giải ngân vào cổ phiếu khoáng sản không hề nhỏ.